Công thức 7 chiếc lọ tài chính cá nhân mà ai cũng có thể làm được

Kiếm tiền đã khó, nhưng tiêu tiền như nào còn khó hơn. Sáng nay trong nhóm dậy sớm mà mình tham gia, biết mình từng công tác trong ngành tài chính gần 10 năm, nên có mấy anh em hỏi về chủ đề lập kế hoạch tài chính cá nhân và quản lý tài chính cá nhân. Mình cũng đã chia sẻ rồi nhưng mình viết lại thành bài viết lập kế hoạch quản lý tài chính cá nhân cho anh em dễ dàng ngâm cứu.

Ở bài viết này mình chỉ chia sẻ về việc phân bổ thu nhập của mình như thế nào cho hợp lý, mình tạm gọi công thức này là “công thức 7 chiếc lọ tài chính cá nhân”. Công thức này mình phát triển từ “quy tắc 6 chiếc lọ tài chính”, rồi biến đổi dựa trên kinh nghiệm xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân và kiến thức quản trị tài chính thực tế gần 10 năm của mình cho nó phù hợp, trước khi mình chạy Grab Bike duy trì cuộc sống. Công thức này mình áp dụng cho chính mình từ lúc ra trường đi với mức thu nhập khởi điểm là VND 8,000,000. Anh em có mức thu nhập dao động từ 8~18tr cũng có thể áp dụng công thức này linh hoạt, để có cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả cho riêng mình nhé. Với những anh em có mức thu nhập cao hơn thì tự động có thể thay đổi tỷ lệ % cho nó tự hợp lý.

>>> Đọc thêm : QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN THÔNG MINH VỚI QUY TẮC 6 CHIẾC LỌ

CONG THUC 7 CHIEC LO TAI CHINH
Công thức 7 chiếc lọ tài chính cá nhân, thứ tự ưu tiên đi theo từng lọ

1. Lọ số 1 – Nhu cầu thiết yếu (Ăn, mặc, ở, đi lại) – 50%

Đây là khoản chi phí “tốn kém” nhất trong quỹ thu nhập và kế hoạch tài chính cá nhân của anh em. Nó chiếm tỷ trọng cao nhất trong những thứ anh em cần chi. Mình gọi đây là “thiết yếu” vì có thực mới vực được đạo. Những thứ gì mà thân thể vật lý cần để sống thì phải đáp ứng cho nó đủ đã rồi tính chuyện làm gì thì làm sau. Xin lỗi vì mình thuộc hệ khá là thực tế.

Lo so 1
Mình tìm cái ảnh minh họa cho nhu cầu “thiết yếu” mà ra được mỗi cái ảnh ngon lành này

Sáng nay cũng có người chia sẻ lại là người đó dùng tới ⅔ thu nhập của bạn ý cho việc tiết kiệm ở mức thu nhập VND 15,000,000. Mình thấy quan điểm đó cũng không hề sai một chút nào. Với mức còn lại VND 5,000,000 nếu anh em chi tiêu khéo thì vẫn có thể đủ được cho một cuộc sống độc thân ở Hà Nội, mà lại còn quá tốt. Nhưng đối với quan điểm của mình khi làm kế hoạch quản lý tài chính cá nhân để phân bổ tài hạng mục chi theo thu nhập, thì mình luôn xác định trước mức nhu cầu thiết yếu của bản thân ở mức nào trước (Ví dụ: Tồn tại được – Đủ sống – Mức vừa đủ sướng – Mức sướng – Mức sướng vãi). Khi xác định được mức “Đủ sống” mà bản thân thấy vui vẻ và ô kê với khoản chi đó, thì mình sẽ kiểm soát chi tiêu ở con số đó để không vượt quá mức, chứ mình không quá hạn hẹp nhu cầu thiết yếu này.

Với kinh nghiệm của mình, khi đã trải qua một thời gian rất dài khi phải sống dưới mức thiết yếu cho sự tồn tại, cơ thể sẽ bị bào mòn rất nhanh dẫn đến việc “mình không biết kiếm tiền để làm gì”, chán nản, buồn bực, stress liên miên. Nên là “ép dầu ép mỡ chứ ai nỡ ép mình sống khổ”, trừ trường hợp quá đặc thù như mình là phá sản, nợ nần chồng chất. Hehe

Do đó, anh em hãy phân định rõ ràng, dành một nửa để phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu, nhưng không nên “vung tay quá trán”, dốc toàn bộ số tiền có được để ăn tiêu, mặc ở, lấy le với người khác. Nếu cắt giảm được những loại chi phí này, anh em sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền, vì chúng ta còn tận 6 cái lọ khác phải bỏ vào nữa mà.

>>> Tham khảo thêm: 9 MẸO HAY ĐỂ HÌNH THÀNH ĐƯỢC CÁCH QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN HIỆU QUẢ <<<

>>> Tham khảo thêm : BA CẤP ĐỘ TIÊU PHA MỘT ANH TÀI XẾ GRAB BIKE ĐÃ TRẢI QUA ĐỂ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN HIỆU QUẢ <<<

2. Lọ số 2 – Đầu tư phát triển bản thân (Học vấn – Quan hệ) – 10%

Lo so 2
Đầu tư cho bản thân là cách đầu tư cho tương lai thông minh nhất

Khi anh em có thu nhập thì nên dành ra 10% đầu tư phát triển cho chính bản thân mình. Những cuộc gặp mặt giao lưu trực tiếp chính là chìa khóa cho sự thành công của mỗi người. Khi anh em càng thành công thì càng cần tạo ra nhiều mối quan hệ hơn, khi anh em muốn công việc thuận lợi và có bước tiến triển cao hơn bạn cũng cần tạo ra nhiều mối quan hệ hơn. Với các nhà doanh nghiệp, các tỷ phú, việc chi tiền cho các mối quan hệ chất lượng rất quan trọng, nhiều khi một mối quan hệ chất lượng có thể là một người mở cánh cửa cho họ, và thế là họ có thể bước tới thành công. Đó là sức mạnh của việc mở rộng quan hệ hữu ích, chất lượng. Ngay cả khi mình sa cơ lỡ vận, thì những người giúp mình nhiều nhất chính là những mối quan hệ chất lượng này, họ sẵn sàng ra tay giúp đỡ, người ít người nhiều, chính thế mình mới vượt qua được cơn khủng hoảng phá sản lớn năm 2020 để ngồi đây viết lại bài chia sẻ này cho anh em đọc được đấy. Hehe

Ngoài ra, khi có tiền, đừng quên trau dồi học vấn, đầu tư học hỏi. “Học chưa bao giờ là thừa”. Biết thêm một kỹ năng, một khía cạnh mới trong lĩnh vực anh em đang kinh doanh, theo đuổi, sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc dậm chân tại chỗ. Kiến thức được mở rộng thêm đồng nghĩa với việc cơ hội của anh em sẽ thênh thang hơn rất nhiều. Việc tham gia một khóa học chất lượng mình cũng rất ưa chuộng, trong khóa học đó ngoài mình được nhận thêm kiến thức mới ra, mình còn được gặp thêm rất nhiều anh chị em giỏi và tầm cỡ khác, mà những bí quyết quản lý tài chính cá nhân của mình có được hiện tại, là nhờ được ngồi nói chuyện trao đổi với những anh chị tầm cỡ đó đấy. Nếu có duyên, nhiều khi anh em lại được người đó đưa tay giúp sức một phát, thì cửa sáng của anh em còn mở rộng thênh thang.

Nên là hãy đầu tư vào chính mình trước, rất rất quan trọng anh em nhé!

>>> Đọc thêm: KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH CÁ NHÂN VÀ CÁCH VƯỢT QUA NỢ NẦN CHỒNG CHẤT

3. Lọ số 3 – Tiết kiệm dài hạn 10%

Anh em hãy dành ra 10% thu nhập của bản thân để tiết kiệm cho tương lai. Cái cốt yếu của việc đi kiếm tiền là: “Không phải anh em kiếm được bao nhiêu, mà là anh em tiết kiệm được bao nhiêu”.

Lo so 3
Hãy tập thói quen tiết kiệm hằng ngày, hàng tháng, hàng năm

Tiền tiết kiệm đấy anh em có thể dùng cho đủ mục đích: có thể là một món đồ yêu thích; một “khoản dự phòng tài chính”; một “ước mơ” nào đó trong tương lai. Nhất là những việc cần tiêu trong trường hợp “CẤP BÁCH”. Mình nhấn mạnh chữ này để anh em biết là lúc nào túng quá mới dùng (thêm một lần nhấn mạnh), chứ đừng có dùng lung tung beng lên nhé, phải luôn thiết lập những quy tắc quản lý tài chính cá nhân cho riêng bản thân mình. Thói quen tiết kiệm hàng ngày, hàng tháng, hàng năm là một thói quen cực tốt mà anh em nên rèn để có được một khoản tiền mơ ước, còn làm gì với khoản tiền mơ ước đấy rồi thì mình viết bài khác hướng dẫn anh em sau. Trước hết, hãy tiết kiệm ít nhất 10% thu nhập của mình, anh em nào tiết kiệm được hơn số đó thì quá xá đã, nhưng hãy làm sau khi đã làm cái Lọ số 1 và Lọ số 2. Thói quen này là một trong những thói quen đỉnh cao nhất để hình thành những kỹ năng quản lý tài chính cá nhân của anh em đấy.

Câu trích dẫn này mình kiếm trên mạng, chả biết của ai nhưng mình thêm vào cho bài nó dài tí, anh em đọc mỏi mắt chơi.

Tiết kiệm dài hạn là cách tốt nhất để hạn chế rủi ro và đầu tư xứng đáng cho tương lai”.

Một người giàu từng nói –

>>> Tham khảo thêm: 5 BÀI HỌC VỀ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN MÀ HỒI BÉ MÌNH KHÔNG ĐƯỢC BỐ MẸ DẠY

4. Lọ số 4 – Đầu tư tạo thu nhập thụ động – 10%

“Nền tảng của tự do tài chính chính là những nguồn thu nhập thụ động“. 

Câu nói của những người giàu rồi –
Lo so 4 2
Mình cũng muốn cuộc sống của mình tự do như ảnh minh họa này

Anh em càng có nhiều nguồn thu nhập thụ động, thì anh em càng tiệm cận gần đến với sự “Tự do tài chính”, nghĩa là đến lúc đó anh em không cần phải làm việc mình không hề thích để kiếm tiền nữa, mà anh em được lựa chọn công việc nào mình thích để làm đến suốt đời mà không phải lo nghĩ đến việc tiền đâu mà sống. Để đạt được đến đây thì nó là một quá trình dài, mà ngay cả bản thân mình cũng đang nỗ lực để thực hiện, chứ để mà nói mình đã đạt được cái này chưa thì mình xin khẳng định là chưa. Vẫn đang cật lực kiếm tiền hằng ngày bằng đủ thứ công việc, cả chạy Grab mình cũng đang phải làm đấy. Nhưng không sao, tất cả vì tương lai sáng lạn đẹp tươi hơn bây giờ. Muốn thế thì ngay từ giờ anh em phải có được các phương pháp quản lý tài chính cá nhân của riêng mình, rồi từ đó hình thành lên các nguyên tắc quản lý tài chính cá nhân, thì sau này khi anh em thực hiện các nghiệp vụ đầu tư, hay là kiểm soát các hoạt động đầu tư, anh em mới không bị sấp mặt như mình hồi trước được.

>>> Đọc thêm: THU NHẬP THỤ ĐỘNG – TOP 13 CÔNG VIỆC TẠO THU NHẬP THỤ ĐỘNG PHỔ BIẾN NHẤT HIỆN NAY

Một điều nữa mà ít người chia sẻ cho anh em, là anh em thực hiện các nghiệp vụ đầu tư, thì chính là anh em đang bảo vệ dòng tiền và giá trị đồng tiền mình làm ra. Thực ra ít người biết về việc này, nhưng khi anh em gửi tiết kiệm vào Ngân hàng và hưởng lãi suất, thì so với tốc độ lạm phát của đồng tiền, giá trị đồng tiền của anh em năm sau sẽ bị mất hơn so với lúc anh em gửi. Cái này nó là một thực tế khá là buồn cho những anh em nào ưa thích kênh Ngân hàng để toàn bộ tiền của mình. Chi tiết về việc này có thời gian mình sẽ viết ra cho anh em có thể hiểu được một cách cặn kẽ, rất nhiều kiến thức chuyên sâu và cũng sẽ rất dài. Nếu anh em có điều kiện, hãy đăng ký tham gia một số khóa học về tài chính như: Quản lý tài chính, Quản trị tài chính cá nhân Công thức quản lý tài chính cá nhân, Cách xây dựng báo cáo tài chính cá nhân .v.v. Anh em học xong và bắt tay vào làm từng bước một, rồi anh em sẽ hiểu được rằng nghệ thuật quản lý tài chính cá nhân chính là tiền đề để anh em có thể bước vào một game khó hơn là “Đầu tư”.

“Khi chạy theo thu nhập năng động, anh em làm việc vì tiền. Khi có thu nhập thụ động, tiền sẽ làm việc cho anh em”.

Cũng là một câu nói của người giàu –

Lại một câu trích dẫn rất hay trên mạng mà mình muốn chia sẻ cho anh em, chắc là của tỷ phú nào đấy. Ông nào giàu thì nói cái gì cũng đúng. Mà muốn giàu rồi nói cái gì cũng đúng thì anh em đừng quên Lọ số 2 – Đầu tư phát triển bản thân, có học vấn có kiến thức rồi anh em mới đầu tư tạo ra Lọ số 4 được, chứ game này nói thật với anh em không hề dễ một chút nào. Hãy đi theo thứ tự ưu tiên của từng chiếc lọ.

=> Tham khảo thêm:

5. Lọ số 5 –  5% Bảo vệ rủi ro (Bảo hiểm)

“Rủi ro là bất cứ những sự kiện không lường trước được xảy đến với anh em mà làm tổn hại đến sức khỏe, cơ thể và sinh mạng của anh em”

Trích dẫn hay trên mạng –
Lo so 5
Mua bảo hiểm nhân thọ đối với mình là mua sự may mắn

Câu trích dẫn này là mình bịa ra để cho anh em thấy buồn mà khóc thôi, chứ nó là định nghĩa trong sách Chuyên ngành Bảo hiểm mình học từ đại học ra rồi nói lái đi cho anh em dễ hiểu đấy. 

Rất nhiều anh em mình từng gặp đều sợ phải nói về việc này, nhưng cá nhân mình là một người cực kỳ thực tế: “Cuộc sống có niềm vui thì có nỗi buồn, có sinh thì có tử, mà cuộc sống hiện đại lại có luôn rất nhiều bệnh hiểm nghèo đáng sợ”. Anh em đang khỏe mạnh thì anh em chẳng nghĩ gì đến việc này đâu, nhưng mình là người công tác trong ngành Tài chính đã hơn 10 năm trước khi sa chân vào chạy Grab Bike, thì mình thấy đủ loại cơ cực bất ngờ mà một người bình thường gặp phải. Mình biết làm người thì anh em hay né ra nói chuyện xúi quẩy, nhưng mà việc mình thì mình vẫn phải nói, mình nói rồi mình là một người siêu thực tế, thực tế đến mức hơn cả bình thường mà.

Giả dụ anh em đã có gia đình và đang phải nuôi con đi, rủi một ngày anh em ra đường bị ông nào uống rượu say tông cho cái. Đen nhất thì lên tủ ngắm gà khỏa thân với các cụ, mà đen hơn nữa thì anh em nằm đó cả đời mà chẳng làm được cái gì. Vậy gánh nặng tài chính gia đình đổ lên đầu ai, nghĩ đi, nghĩ đi.

Rồi giả dụ anh em đang khỏe mạnh như Trương Phi, đùng một ngày đi khám sức khỏe định kỳ, bác sỹ kêu anh em và người thân vào phòng riêng thông báo: “Tôi rất buồn khi phải thông báo anh chị đã mắc phải căn bệnh quái ác ABCXYZ”. Và xin chúc mừng anh em cùng gia đình sẽ phải gánh thêm một đống tiền để chữa trị nhé. Đã dính vào bệnh hiểm nghèo thì chỉ có đốt tiền núi thôi chứ tỷ lệ sống được không cao lắm đâu. Mà cái lý đời nó vậy, gia đình và người thân lúc nào chả mong mình sống thêm được ngày nào vui ngày ấy, nhưng mà để sống được thì tài chính phải tốt.

Trong khi hoạch định tài chính cá nhân, thì Bảo hiểm Y tế cơ bản hay Bảo hiểm Sức khỏe là những thứ cần phải có trước, hiện giờ thì các công ty đã đóng những khoản này cho anh em đi làm văn phòng rồi. Nhưng anh em nghe mình, dành ra 5% thu nhập mà mua một cái Bảo hiểm nhân thọ nữa. Trên thị trường rất nhiều hãng tốt, anh em chịu khó dùng Lọ số 2 để tìm hiểu thêm về khoản này, tìm cho được một tư vấn viên tốt sẽ không bao giờ làm anh em thất vọng đâu. Và nhớ: “Đây không phải là một khoản đầu tư, đây là khoản bảo vệ rủi ro tính mạng cho bản thân”. Anh em nào gặp phải tư vấn viên bảo hiểm nào mà nói Lọ số 5 này là một khoản Đầu tư sinh lợi, anh em đấm vào mồm nó cho mình cái, mà nó đấm lại anh em thì anh em gọi mình, mình đến giúp sức mình đấm cùng cho. Đời mình đi mua cả chục cái bảo hiểm cho mình và gia đình rồi, và cũng từng làm trong ngành Tài chính rất lâu rồi, nên cái thể loại tư vấn viên đi tư vấn Bảo hiểm mà chả hiểu gì về bản chất sản phẩm này nhiều vô kể. Nghe mình, gặp loại này đấm cho một cái nhé!

>>> Đọc thêm: BẢO VỆ RỦI RO TÀI CHÍNH VÀ BÍ MẬT CỦA BẢO HIỂM NHÂN THỌ

>>> Đọc thêm: KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH CÁ NHÂN VÀ CÁCH VƯỢT QUA NỢ NẦN CHỒNG CHẤT

6. Lọ số 6 – Hưởng thụ cá nhân 10%

“Kiếm tiền là một công việc gian nan vất vả, nên chúng ta có quyền hưởng thụ đồng tiền chúng ta làm ra. Nhưng nhất quyết không quá tay, chỉ 10% thôi”

Một người thích hưởng thụ nhưng có kiến thức về tài chính chia sẻ –
Lo so 6
Kiếm được tiền thì cũng phải cho bản thân mình nghỉ ngơi mà tiêu đồng tiền

Anh em kiếm được đồng tiền đã khó, anh em chi tiêu nó làm sao cho hữu ích càng khó hơn. Khi có tiền, anh em đừng quên dành cho bản thân một sự ưu ái đặc biệt bằng những kì nghỉ ngắn để tái tạo năng lượng, mua những món đồ từng khiến anh em mất ăn mất ngủ. Hưởng thụ tạo nên sự hưng phấn, sự sung sướng và càng kích thích khả năng làm việc kiếm tiền của anh em. Như mình thì mình thường dành ra 5% để hưởng thụ thôi, chứ nói thực nhu cầu giải trí của mình cũng không quá nhiều: 1 cái đĩa games mới, một cuộc bia vỉa hè với anh em thân thiết để kể khổ, một đôi giày tốt hoặc một cái quần jean rách mới chẳng hạn. Hoặc đơn giản là mình mua cho con một món đồ chơi, nhìn thấy chúng nó vui thì mình cũng hưởng thụ niềm vui ấy rồi. Mà đó là lúc mình chưa phá sản, chứ sau phá sản thì mình dành hết tiền để trả nợ là chính và ổn định lại cuộc sống gia đình, chứ giờ thì mình ngồi uống trà đá làm điếu thuốc thôi, mình cũng thấy rất chi là số hưởng rồi anh em ạ.

Nhưng mà nhớ là hưởng thụ trên định mức và nguyên tắc thôi anh em nhé, chứ anh em quá tay hay quên mất các Lọ từ 1 đến 5 từ nãy giờ mình viết, thì anh em thôi khỏi đọc tiếp làm chi cho đau mắt. Luôn nhớ: kiểm soát tài chính cá nhân một cách hiệu quả, và kiểm soát sự sung sướng khi hưởng thụ cũng sẽ hình thành nên một thói quen quản lý tài chính cá nhân hiệu quả cho anh em.

À mà đọc đến đây rồi thì đọc tiếp cho vui vì chúng ta đã đi đến gần hết chu trình rồi. Hehe

>>> Tham khảo thêm : 9 MẸO HAY ĐỂ HÌNH THÀNH ĐƯỢC CÁCH QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN HIỆU QUẢ

>>> Tham khảo thêm : BA CẤP ĐỘ TIÊU PHA MỘT ANH TÀI XẾ GRAB BIKE ĐÃ TRẢI QUA ĐỂ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN HIỆU QUẢ

7. Lọ số 7 – Cho đi 5%

“Cho đi là cách chúng ta giải thoát tư tưởng và những phiền muộn của bản thân mình”

Không biết ai nói nhưng trích dẫn này hay –
Lo so 7 Cho di
Cho đi một cách không cưỡng cầu

Úi xồi lại là một trích dẫn hay mình lượm trên mạng về để động viên nhuệ khí cho anh em. Cho đi nó rất vui, dạng như anh em làm được một việc gì đó tốt, giúp được đời, giúp được người ấy, khoan khoái và thoải mái lắm. Anh em cứ tập một thói quen tốt là cho đi này đi, có kiến thức cho đi kiến thức, có tiền cho đi một ít tiền, anh em làm việc này với tâm không cầu thì sẽ thấy cuộc đời mình tự dưng thảnh thơi và ít áp lực hơn trước nhiều. Mà chính ra là anh em đang gieo duyên lành, nghiệp lành cho đời mình đấy. Có khi duyên này nghiệp này anh em không được hưởng ngay đâu, nhưng mà nó như cái ống tiết kiệm ấy, để cho đời con đời cháu cũng chả sao. Miễn sao mình cứ thấy thoải mái cho việc này là được, “cho đi” được sẽ tô cho anh em một tâm hồn rất thanh cao, mà tâm hồn thanh cao thì hay kiếm được nhiều tiền lắm.

>>> Đọc thêm : PHÁT TRIỂN BẢN THÂN BẰNG CÔNG THỨC BÍ MẬT 6-7-8-9-10

Anh em có thể chọn giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, làm từ thiện, ủng hộ trẻ vùng cao… là những việc làm ý nghĩa, giúp anh em sống có giá trị, có mục tiêu hơn. Giả dụ như mình trong nhóm dậy sớm thi thoảng bị phạt vì dậy muộn, nộp phạt mỗi lần 100k để góp vào Quỹ nuôi em đi, mình lấy đó làm niềm vui để tiếp tục dậy muộn và thi thoảng bùng kèo anh chị em trong nhóm. Đấy là nói vui thế thôi chứ mình ít khi bị ăn phạt lắm, con người của mình khá là nguyên tắc và tuân thủ, nên khó có kỷ luật nào mà mình không theo được.

Nhưng mà, cứ cho đi những gì anh em có và có thể cho, anh em sẽ thấy một bầu trời rộng thênh thang ngút ngàn như hôm nay mình nhìn thấy và viết bài chia sẻ này vậy.

>>> Tham khảo thêm: “5 BÀI HỌC VỀ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN MÀ TRẺ CON NÊN ĐƯỢC HỌC”

Vậy là mình đã viết xong bài chia sẻ “7 chiếc lọ trong tài chính cá nhân mà ai cũng có thể làm được” cho anh em đọc đau mắt chơi. Thân ái chúc anh em sẽ áp dụng thành công và trở thành những nhà quản lý tài chính cá nhân xuất sắc. Mình là Dũng, mình hay dậy sớm viết blog và chạy Grab để kiếm sống. Nghệ danh của mình là Chú Grab Nhiều Chuyện. Hehe

Anh em nào muốn đặt câu hỏi cho mình, hay muốn tâm sự riêng với mình về cách lập kế hoạch tài chính cá nhân, hay cách quản lý tài chính cá nhân thì cũng đừng ngại điền vào mẫu bên dưới đây để mình tắt app ngồi cà kê với anh em nhé.

ANH CHỊ EM THÍCH NỘI DUNG NÀY?
Mình thường gửi những nội dung như thế này cho mọi người hàng tuần. Hơn 1000+ người đang nhận thông tin. Anh chị em ấn vào nút ĐĂNG KÝ THEO DÕI BLOG dưới đây để nhận tin miễn phí qua email nhé.
>>> ➡ ĐĂNG KÝ THEO DÕI BLOG <<<

Hình ảnh tóm tắt ở đây để anh em dễ dàng lưu lại và chia sẻ!

Thân ái và quyết thắng!

Bùi Quang Dũng

CONG THUC 7 CHIEC LO TAI CHINH
BUIQUANGDUNG.com - Here for Sharing
Cám ơn vì đã đọc bài viết của mình! Chúc anh em một ngày thật vui!

    Anh em hỏi gì mình đáp nấy! Mại dô đừng ngại!

    Write A Comment