9 mẹo hay để hình thành được cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả

Chào các anh em, rất vui được gặp lại anh em trên blog về tài chính cá nhân, kinh doanh và kiếm tiền online của mình!

Ở loạt bài chia sẻ về Tài chính – Kinh doanh, mặc dù là những bài chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của một anh tài xế chạy Grab Bike, nhưng mà không hiểu sao anh em vẫn đón nhận và động viên nhiều thế. Mà nhất là rất nhiều các chị em gửi email cho mình rất nhiều để xin tham vấn về cách lập kế hoạch tài chính cá nhân và các cách kiểm soát tài chính cá nhân cũng như cho gia đình. 

Vì quá vui nên hôm nay mình quyết định dành ra một buổi không chạy Grab nữa để viết bài chia sẻ cho anh chị em về 9 mẹo hay mình từng áp dụng trong suốt một quá trình dài để hình thành được cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả nhé.

>>> Tham khảo thêm: CÔNG THỨC 7 CHIẾC LỌ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN MÀ AI CŨNG LÀM ĐƯỢC 

>>> Tham khảo thêm: 5 BÀI HỌC VỀ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN MÀ HỒI BÉ MÌNH KHÔNG ĐƯỢC BỐ MẸ DẠY

Vẫn là một lưu ý cần phải nhắc lại cho anh em: những mẹo mình chia sẻ cho anh em được mình lấy từ các công thức quản lý tài chính cá nhân, và các giáo trình quản trị tài chính mình từng được học ở trường đại học. Sau đó theo thời gian mình áp dụng và thấy có hiệu quả, trở thành những bí quyết quản lý tài chính cá nhân của riêng mình. Nên con số và tỷ lệ phần trăm nếu được nhắc tới sẽ khác đi so với những tài liệu anh em từng được biết. Anh em khi đọc các bài viết quản lý tài chính cá nhân của mình thì áp dụng linh hoạt cho tình hình tài chính cá nhân thực tế của anh em nhé.

1. Tập thói quen theo dõi thu chi

Tập theo dõi thu chi hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng là một thói quen anh em nên và bắt buộc phải có để bắt đầu hình thành các kỹ năng quản lý tài chính cá nhân

Một người trên mạng từng nói –

Nói thật với anh em chứ, dù là mình là sinh viên ngành Tài chính quốc tế thứ thiệt, ra trường lại còn đi làm luôn ở Ngân hàng của Vương quốc Anh cơ đấy, nhưng mà trầy đi trật lại, âm lên âm xuống rồi mãi mình mới có được thói quen này, rồi mới hình thành các cách quản lý tài chính cá nhân riêng biệt đấy. 

1. Tap thoi quen theo doi chu chi
Tình trạng của mọi anh em lúc mới đi làm có tiền: Cuối tháng rỗng túi!

Không biết anh em nào ra trường đi làm có cùng chung cảnh ngộ với mình hồi đó không, chứ nói thiệt 2 tháng đầu tiên mình đi làm, lương cộng với OT (Over time – Tiền làm ngoài giờ) rõ nhiều mà cuối tháng trong tài khoản số dư cứ chỉ còn có mấy chục nghìn, thế lại xách mông đi xin xỏ con em gái nó nấu cơm ăn nhờ. Qua mấy bận như thế mình mới giật mình tỉnh ngộ ra, rồi bắt tay vào ghi ghi chép chép các khoản chi một cách thành thực trên excel theo ngày (uống cốc trà đá 3 nghìn cũng ghi nhé). Cuối tháng thứ 3 lúc mới đi làm, ngồi nhìn lại lại thì mới giật nảy: “Hỡi ôi! Mấy cái khoản chi linh ta linh tinh cỡ 30k ~ 60k nó nhiều chi chít, cộng lại theo ngày mà mất đến hơn ⅓ tiền lương. Lương mình lúc đó là 8tr trừ các loại bảo hiểm bắt buộc đi còn 7tr1, cộng OT vào thì cũng cỡ 10tr. Mà tiêu linh tinh vô tội vạ mất đến hơn 3tr/1tháng, đó là tiêu linh tinh không ngờ tới chứ các khoản cà phê, nhậu nhẹt với bạn bè, hay đi ăn với đồng nghiệp là đã tính riêng rồi nhé.

Với đức tính nghèo khổ cố hữu trong máu, mình lập tức từ tháng sau hành động ngay và quyết liệt: “Mang cơm ở nhà đi ăn trưa chứ không lê la ở ngoài đường để ăn trưa nữa”. Vì cái tâm lý chung là như này: anh em đi làm cứ ra ngoài ăn trưa mà đi một mình thì chán lắm, nên kiểu gì anh em cũng sẽ rủ đồng đội đi cùng. Mà đã rủ anh em đồng đội đi cùng thì nốt buổi nghỉ trưa chả làm gì sẽ bị rủ đi lượn lờ hết chỗ này, qua chỗ nọ. Mà càng lượn lờ thì sẽ bốc cái này rồi mua cái kia, mà mấy thứ linh tinh kiểu bấm móng tay, đèn USB, sen đá để bàn… ấy, lúc mua thấy đẹp vãi nhái, xong mua về được mấy hôm thì chán toàn vứt trong hộc tủ, có dùng đâu. 

>>> Đọc thêm: CÔNG THỨC 7 CHIẾC LỌ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN MÀ AI CŨNG LÀM ĐƯỢC 

>>> Đọc thêm: 5 BÀI HỌC VỀ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN MÀ HỒI BÉ MÌNH KHÔNG ĐƯỢC BỐ MẸ DẠY

Sau thời gian đó có bản ghi chép chi tiêu linh tinh mấy thứ dưới 100k rồi, mình thấy rõ ràng mấy thứ vớ vẩn đó tuy ít tiền nhưng cộng dồn lại là cả bạc triệu. Nên từ đó thôi mình chừa, cứ mang cơm ở nhà đi ăn cùng với các chị. Mà các chị em công ty mình thì toàn sợ béo, nên đồ ăn cứ san cho mình nhiều vô kể, thành ra sau đó mình còn chả còn chuẩn bị thức ăn nữa. Cứ cắm cơm trắng mang đi làm xong ngồi ăn hộ các chị trong công ty là đã đủ no rồi. Cuối tháng đấy tài khoản mình lần đầu dư được 6tr, sau 4 tháng đi làm. Sướng!

Đấy, anh em thấy sức mạnh của sự ghi chép chưa? Thói quen ghi chép hàng ngày sẽ giúp anh em dần dần trở thành một chuyên gia trong nghệ thuật quản lý tài chính cá nhân đấy. Mình khẳng định lại luôn là nếu không có sự ghi chép, không có dữ liệu, thì anh em đừng có mong bao giờ quản trị tài chính cá nhân tốt được đâu nhớ.

>>> Đọc thêm: KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH CÁ NHÂN VÀ CÁCH VƯỢT QUA NỢ NẦN CHỒNG CHẤT

Anh em có thể tham khảo file quản lý tài chính cá nhân bằng excel của mình ở đây. Ngó qua chỗ nào không hiểu thì cứ gửi email cho mình, mình giải đáp cho nhé. Quản lý tài chính cá nhân excel là cách mình làm từ trước giờ, có đợt mình cũng dùng phần mềm Misa để ghi chép, nhưng sau đó thấy hơi lạ và phân tách dữ liệu hơi khó nên mình vẫn cứ trung thành với Excel. 

“Thành thạo Excel là một lợi thế trong việc lập kế hoạch quản lý tài chính cá nhân, và cả công việc thường ngày của anh em nữa nhé”

Lại một trích dẫn hay của một người trên mạng –

2. Lên danh sách trước khi mua sắm

Việc lên danh sách trước khi mua sắm là tối quan trọng trong lập kế hoạch tài chính cá nhân, vì nếu không lên danh sách cần và không cần thiết trong nhu cầu thiết yếu, thì mình chắc chắn với anh em rằng là anh em vào siêu thị hay đi lượn mall thì cứ bạ đâu nhặt đấy, vơ vét cho đầy giỏ hàng, vơ cho được nước được cái rồi đi về vào những ngày payday (ngày được lĩnh lương). Mà nhất là anh em nào còn xài thẻ tín dụng ấy à! Xin chúc mừng anh em là những lần đi dạo siêu thị thì anh em chỉ có nước là quẹt cho đẫy cái thẻ, rồi về rung đùi sung sướng miệng ngậm đầy snack (bim-bim), mắt hấp háy dõi theo loạt phim của Netflix mà quên mất rằng: “Tháng sau vào ngày đấy, tháng đấy anh em phải trả các khoản anh em đã tiêu xài mặc sức bằng lương của tháng này”. Nợ chồng nợ! Oan uổng chồng oan uổng! Nghèo hoàn nghèo!

2. Len danh sach mua sam 2
Lên danh sách mua sắm càng tỉ mỉ càng chi tiết càng tốt

Vậy cách thức để chúng ta vượt thoát khỏi cảnh này đó là: muốn mua gì thì lập danh sách những thứ cần mua ra, sau đó thì đi uống trà đá độ 1 tiếng rồi quay lại, anh em sẽ thấy những thứ mình cần mua giảm bớt đi tận ⅓ đấy. Cái tâm trí mình kỳ lạ lắm, lúc mà bắt đầu muốn mua cái gì, thì chỉ muốn là lập tức có ngay lập tức thôi. Nhưng mà nếu anh em lập danh sách xong rồi, tính ra tổng cộng rồi, sau đó anh em tĩnh lại một chút đi đâu đó thoáng gió ngồi nhâm nhi cái gì đó một chút, rồi quay lại nhìn vào đó một lần nữa. Mình đảm bảo với anh em là anh em sẽ lấy bút gạch đi ⅓ số lượng những thứ anh em muốn mua mà thực sự không cần thiết. 

>>> Đọc thêm: QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN THÔNG MINH VỚI CÔNG THỨC 6 CHIẾC LỌ 

>>> Đọc thêm: CÔNG THỨC 7 CHIẾC LỌ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN MÀ AI CŨNG LÀM ĐƯỢC 

Anh em thử cách này đi, nếu hiệu quả và đúng chính xác như mình hướng dẫn thì cho mình một like và một share động viên nhớ, vì mất bao nhiêu lâu mình mới làm được rồi mới dám hướng dẫn lại anh em đó.

Luôn lên danh sách những thứ cần mua. Sau đó lên xong rồi thì đi đâu đó chơi 1 lúc rồi mới quay lại cầm danh sách đi mua! Đi mua ngay lập tức thì cũng tốt thôi nhưng vẫn là hao tổn tiền bạc cho những thứ rất vô ích!

Khuyết danh –

À mà quên! Nên đi mua sắm sau khi ăn tối no nê, đừng bao giờ tiện thể đi làm về tiện ghé chỗ này mua, chỗ kia mua. Lúc đó đói thì chỉ có vơ cả sạp nhà người ta đấy *cười bẽn lẽn*

3. Không chi tiêu vượt mức cho mục ăn uống

3. Co thuc moi vuc duoc dao 2
Ăn uống thì có ai chê bao giờ đâu! Nhưng mà…

“Có thực mới vực được đạo”, và “Có ăn ngon thì mới có tinh thần để đi kiếm tiền”. Các cụ dạy rồi thì cấm có sai! Nhưng mà anh em qua năm qua tháng khi tìm hiểu, nhặt nhạnh kiến thức các thứ rồi thì có rút ra được những bài học kinh nghiệm như mình không:

  • Ăn cơm tối ở nhà vẫn là ngon nhất (Nhất là cơm mẹ với vợ nấu)
  • Đi ăn đi tiếp khách ăn cho đẫy mồm ra, lúc ấy thì ngon thật nhưng sau rồi đủ thứ bệnh nó đập vào người. Mà thân thể còn béo ú na ú nần, đi bộ lên tầng 3 còn thở dốc. Sau đó còn mất thêm tiền đi mua gói tập thể hình với thể dục các thứ nữa, đúng là cái vòng luẩn quẩn.
  • Đi ăn ngoài đổi món cùng gia đình là trải nghiệm cũng vui. Nhưng mà 1 tuần mà ăn ngoài đến 3 – 4 bữa thì thực sự lại bị thèm cơm, mà còn rất hao tổn tiền bạc. Nhà mình bây giờ 1 tuần có chăng đi ăn ngoài cả gia đình 1 lần, còn nữa thèm ăn gì cứ bảo vợ mua về nấu, vừa sạch sẽ, an toàn, tiết kiệm, vui vẻ. Mà giờ tài chính eo hẹp hơn nữa thì có dịp lễ gì đặc biệt quan trọng mới ra ngoài ăn. Mình nghèo mình không cần phải thể hiện gì lắm.
3. Co thuc moi vuc duoc dao 1
Kiểm soát cái mồm là sự kiểm soát khó khăn nhất

Phần ăn uống, anh em hãy định một hạn mức cho nó, và theo dõi để nó không bị vượt chỉ tiêu trong kế hoạch tài chính cá nhân. Bản thân mình qua kinh nghiệm thực chiến bao lâu để thiết lập các nguyên tắc quản lý tài chính cá nhân, mình vẫn thấy “kiểm soát cái mồm” là sự kiểm soát khó khăn nhất. Nhưng mà không phải khó là không thử làm, vì không thử làm và thiết lập nguyên tắc thì đừng bao giờ anh em mong mình thoát được khổ, được nghèo.

Kiểm soát cái mồm” là sự kiểm soát khó khăn nhất, thậm chí còn khó hơn việc kiểm soát tài chính

>>> Đọc thêm: KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH CÁ NHÂN VÀ CÁCH VƯỢT QUA NỢ NẦN CHỒNG CHẤT

Một người yêu ẩm thực cho hay –

4. Không bị cuốn theo các chương trình khuyến mãi

4. San sales funny
Mình cũng không có biết, anh em trả lời hộ đi!

Trước khi anh em lao vào các chương trình khuyến mãi lớn, khuyến mãi khủng của các nhãn hàng hay các công ty, hãy tĩnh tâm lại 5 giây để nhớ rằng chúng ta đang có một kế hoạch quản lý tài chính cá nhân mà mình đang theo đuổi. Và nếu vẫn không kiểm soát nổi sự đam mê mua sắm ấy, thì hãy đọc lại Lọ số 6 trong bài 7 chiếc lọ tài chính cá nhân mà ai cũng làm được” của mình để chuyển hóa tất cả năng lượng đam mê mua hàng khuyến mãi ấy thànhTiêu dùng hưởng thụ cho cá nhân trong Lọ số 6”. Mình biết là mấy khi một nhãn hàng anh em yêu thích khuyến mãi khủng, mình cũng thế thôi, nhiều khi không kìm lòng được. Nhưng mà khoan khoan, anh em đọc trước những mẹo sau để không bị cuốn vào “bẫy khuyến mãi” của các nhãn hàng:

  • Lại lên danh sách những thứ cần mua (mục 2) và review.
  • Xem ngân sách hưởng thụ (10%) tháng này của mình đã hết chưa. Nếu chưa hết mời anh em thẳng tay ôm hàng trong 10% đó. Còn nếu anh em đã hưởng thụ hết thì vui lòng tự thú với bản thân một cách thành thật là tháng sau thôi khỏi hưởng thụ gì hết nữa. Anh em phải thực sự thành thật thì mới kiểm soát tài chính cá nhân hiệu quả được. Kế hoạch đã lên rồi mà anh em không kìm hãm được đam mê thì thôi xôi hỏng bỏng không.
  • Mình rất hay canh khuyến mãi, nhưng mỗi lần mình đi mua đồ khuyến mãi thì mình sẽ mua dùng cho cả mấy tháng liền. Sau đó khỏi phải mua. Một là công việc mình cũng khá bận bịu, hai là mình cũng lười ra ngoài, ba là giờ có cái kênh Shopee Sale mấy ngày Bão Sales ý anh em. Ối giời ơi lên đó săn sale vui phết. Nhưng mà giờ thì cũng chỉ săn bỉm với sữa cho con là chính, chứ mấy cái đồ linh tinh thì mình qua cái giai đoạn ấy rồi.
  • Mua đồ khuyến mãi không xấu, mình là chuyên gia mua đồ khuyến mãi. Mà mình lại còn toàn canh khuyến mãi khủng cỡ 50-70% mình mới mua nhé. Mua được đồ tốt mà giá rẻ, tội gì đâu anh em nhể.

Cơ mà vẫn là một kết luận: Canh gì thì canh chứ luôn đúng nguyên tắc đã thiết lập để quản lý tài chính cá nhân hiệu quả nhất anh em nha!

Hôm nào rảnh ngồi săn sale thực tình là rất vui và kích thích vãi linh hồn anh em ạ

Mình đấy hehe –

5. Tiết kiệm khi sử dụng điện nước

5. Tiet kiem dien nuoc
Tiết kiệm nước là quốc sách

Anh em có để ý đâu đâu cũng có cái khẩu hiệu này không?Câu này nó là khẩu hiệu Quốc tế rồi chứ không còn phải là lời khuyên cá nhân của mình nữa. Tuy vậy mình vẫn muốn chia sẻ thêm một chút về việc “tiết kiệm khi sử dụng điện nước” sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc tối ưu các chi phí trong tài chính cá nhân nhé. 

Trước hết mình chia sẻ một số gạch đầu dòng mà người ta chia sẻ nhan nhản trên mạng, nội dung như sau:

  • Tắt điện, tắt quạt khi ra khỏi phòng: cái này trước mình cũng hay quên lắm. Nhưng sau một thời gian đi làm ở ngân hàng, bị các anh chị nhắc suốt, ê mặt nên tự dưng tạo thành thói quen. Đến giờ mình vẫn dạy tụi nhỏ nhà mình y như thế, đôi ba lần nhắc chúng nó giờ tự giác biết tắt đèn tắt quạt trước khi đi học rồi ấy nhé. 
  • Tiết kiệm nước: trước uống nước mình cứ rót tràn trề vào cốc, rồi uống được nửa lại đổ đi. Nhưng sau này mình tập được thói quen là uống chừng nào thì rót chừng ấy, uống hết thì rót tiếp. Hay là các thói quen sử dụng nước tiết kiệm khi dùng nhà vệ sinh, bồn rửa, chậu rửa. Và đương nhiên là mình bỏ hẳn cái thói quen quên tắt vòi nước sau khi dùng. Có lần sáng dậy muộn, vội vội vàng vàng dậy đánh răng rửa mặt rồi mình để vòi nước chảy nguyên ngày từ 8h sáng đến tận 10h đêm. Tháng ấy tiền nước ối giời ơi luôn, không biết anh em trước đây có đãng trí như mình không biết.
  • Tắt các thiết bị điện khi không sử dụng: việc này sau khi thành thói quen thì anh em sẽ thấy hiệu quả của nó. Điều hòa, tivi, máy sưởi, đèn điện khi không còn dùng nữa thì anh em tắt hết đi. Bằng việc này thôi mà mỗi tháng nhà mình đã tiết kiệm được gần 400k tiền điện đấy nhé.
5. Tiet kiem dien
Tiết kiệm được điện thì cũng là quốc sách luôn

Nhiều khi những khoản này nhìn thì nó ít tiền thế thôi, nhưng khi mình tìm hiểu tâm lý chung thì: “Nếu những khoản nho nhỏ đã không tiết kiệm được, thì chả tiết kiệm được một khoản lớn nào cả, mà không tiết kiệm được khoản lớn nào cả thì anh em suốt đời vẫn chỉ sống như thế mà thôi”. Việc có thói quen tốt nó phải hình thành từ việc làm những thứ rất nhỏ, rồi làm nó lớn dần lên, rồi lúc định lực cao anh em sẽ thấy mình sẽ làm được những thứ rất lớn. Hãy bắt đầu từ những thói quen rất nhỏ như thế này để bắt đầu xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân đỉnh cao và hiệu quả.

6. Tự tay làm các công việc thay vì đi thuê ngoài

“Phần này mình viết để tự làm ê mặt mình là chính, anh em đọc cấm được cười”

6. Sua chua do dac
Anh thợ sửa ống nước may mắn

Mình cũng giống anh em thôi, đi làm về mệt mà nhà hỏng cái gì thì toàn “kêu thợ”. Thợ sửa điều hòa nè, thợ sửa điện nè, thợ sửa bình nóng lạnh nè, thợ sửa tivi nè, thợ sửa mạng nè, thợ sửa cáp nè, thợ sửa xxx nè… Khi không sao thì cũng chả có vấn đề gì nhưng đến lúc có vấn đề thì chả hiểu sao nó cứ có vấn đề cả loạt.

Bằng chứng là trong bản ghi chép của mình tháng 04.2015, mình đã chi đến tận 2tr6 cho việc sửa chữa các thứ trong nhà. Sau khi xem bản ghi chép, mình tiếc tiền quá nên mình đã phải lên Google tìm tòi sửa chữa cho những lần sau. Và thật kỳ lạ, tất cả những kiến thức ở trên Google mình đọc được, là những kiến thức mà mình đã từng được học trong các cuốn sách giáo khoa môn Công nghệ hồi cấp 2. Và từ đó thì có vấn đề gì với điện nước hay đồ dùng điện tử trong nhà mình, mình tự tay mình ngồi soạn tuốc-nơ-vít với cờ lê ra mình làm. Tự tay làm cũng vui lắm anh em nhé, chứ không mệt mỏi gì quá đâu, kiểu như anh em hồi bé ngồi xếp lego ý. Tất cả mọi thứ đều có quy luật cả, đọc hướng dẫn an toàn trước khi thực hiện, thật kỹ, nhé anh em.

Nói thế chứ mình cũng đã làm hỏng 1 cái điều hòa và 2 cái quạt điện, cộng thêm 1 cái màn hình tivi tinh thể lỏng do cái tội táy máy rồi đấy. Nhưng mà tiền đó mình hạch toán ngược vào tiền “Phát triển bản thân ở Lọ số 2”. Vì nhờ đó mà mình giờ rất tự tin khi sửa những đồ điện tử đó, mà tỷ suất thành công lên tới tận 75% cơ đấy. Siêu chưa!

Tóm lại, anh em làm được cái gì trong nhà cứ làm, mà đã xác định không làm được thì đi thuê cho nó lành. Tiền nghịch ngu nhiều khi còn hơn cả tiền gọi thợ sửa đấy!

Nhiệt tình + Sự thiếu hiểu biết = PHÁ HOẠI!

Khuyết danh –

7. Hạn chế việc vay mượn

7. Han che vay muon
Đừng có vay tiêu dùng và sử dụng thẻ tín dụng để lấy le hay khoe mẽ! Kết cục không có tốt lắm đâu.

Vay mượn khi cực kỳ cần thiết! Còn nếu chưa đến mức CẤP BÁCH, thì đừng có dại anh em nhé. Nhất là những khoản Vay tiêu dùng từ Ngân hàng hay các công ty tài chính, và rồi còn thẻ tín dụng nữa. Nếu anh em chưa hiểu về những sản phẩm này thì tốt nhất đừng có vay, gánh nợ gánh lãi ói cả máu đấy. Mình làm ngân hàng biết bao nhiêu năm rồi, mình biết thừa việc đó rồi. Nhấn mạnh một lần cho anh em rõ và nhập tâm nhé: Đừng có vay tiêu dùng và sử dụng thẻ tín dụng để lấy le hay khoe mẽ! Kết cục không có tốt lắm đâu.

Anh em nào còn chưa rõ thì có thể tham khảo bài viết “5 bài học về tài chính mà hồi nhỏ mình không được bố mẹ dạy” – Mục số 1 về những khoản vay.

>>> Đọc thêm: 5 BÀI HỌC VỀ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN MÀ HỒI BÉ MÌNH KHÔNG ĐƯỢC BỐ MẸ DẠY

>>> Đọc thêm: BA CẤP ĐỘ TIÊU PHA MỘT ANH TÀI XẾ GRAB BIKE ĐÃ TRẢI QUA ĐỂ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN HIỆU QUẢ

8. Thanh lý các món đồ cũ

8. Don nha
Thanh lý bớt đồ cũ và dọn dẹp nhà cửa thường xuyên

Anh em có công nhận với mình một điều là hầu hết những người trẻ giờ sống ở các thành phố lớn đều ở chung cư không? Mà nhất là anh em tỉnh lẻ lên thành phố, trước ở nhà bố mẹ sân vườn rộng rãi thoải mái quen rồi, ra ở nhà chung cư bé như cái lỗ mũi, nhưng vẫn giữ thói quen cũ là bạ gì mua đấy, xong về chất đống trong nhà. Lâu dần cái nhà nó thành cái nhà kho chứa đồ chứ đâu phải là cái nhà để ở nữa. 

Mình cũng đã từng trải qua cái cảm giác ở nhà kho đấy mấy tháng trời, ngột ngạt, bí bách, khó chịu vãi chưởng mà chả hiểu tại sao. Sau rồi thằng bạn thân mình đến chơi nhà, tặng cho cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật Bản” của Sasaki Fumio, tự dưng tỉnh ngộ, bắt đầu tiến trình thanh lý môn hộ. Mình đã dành ra tận 2 ngày cuối tuần để lọc ra những thứ không cần thiết, phân ra từng hạng mục, ghi lại chi tiết (để sau này khỏi phải mua lại ý mà). Sau đó phần thì mình đưa đi cho, phần thì mình gửi cho mấy hội từ thiện, phần thì mình đăng lên các hội nhóm thanh lý đồ cũ. Kết quả sẽ khiến anh em khá bất ngờ:

  • Tổng số lượng đồ đạc mình cả cho, cả gửi từ thiện, cả thanh lý (bán lấy tiền được) thu về 3tr6. Mà nếu tính ra tổng số đồ đạc đó mình mua mới đến tận 27tr. Và từ đó trở đi thì mình muốn mua cái gì thì mình lại nhớ lại bài học này.
  • Nhà mình sạch bong kin kít, rộng rãi thoáng mát như lúc mới chuyển về. Mở cửa ra là gió lồng lộng, đóng cửa vào là tràn ngập hương tinh dầu. 

Qua một lần mất 2 ngày cật lực như thế, mình quyết định giữ thói quen dọn dẹp nhà cửa, và hạn chế mua những đồ linh tinh không có khả năng dùng lâu dài. Đến giờ thì có vợ mình giúp sức dọn dẹp nữa nên mình thấy làm việc nhà cũng rất vui chứ cũng chẳng bị nề hà gì. 

Đàn ông sức dài vai rộng, cầm cái chổi quét cái nhà còn không làm được nữa thì ra ngoài xã hội làm gì được với ai!

Một người đẹp trai trên mạng từng nói –

9. Tìm cách tăng thêm thu nhập

9. Tang thu
Luôn tìm cách tăng thêm thu nhập

“Cuộc sống mà, phải luôn tăng thu giảm chi để càng ngày càng tiệm cận đến sự tự do tài chính thôi. Đó là quốc sách, chứ không chỉ là hoạch định tài chính cá nhân đơn thuần nữa”

Tìm kiếm một công việc làm thêm, hay học thêm các kiến thức và cách làm để tạo ra một nguồn thu nhập thụ động cho bản thân là gia đình là thứ mà mình luôn hướng tới. Quãng thời gian làm ở ngân hàng những năm 2013-2017, cuối tuần mình vẫn cố gắng nhận thêm đôi ba khách chụp hình để kiếm thêm thu nhập. Hoặc buổi tối mình vẫn nhận thêm các job dịch thuật tiếng Anh cho các bên để có thêm 200-300k, nhưng sau này công việc ở ngân hàng bận tối mắt, không đảm bảo được deadline cho các bên nên mình cũng thôi.

>>> Đọc thêm: THU NHẬP THỤ ĐỘNG – TOP 13 CÔNG VIỆC TẠO THU NHẬP THỤ ĐỘNG PHỔ BIẾN NHẤT HIỆN NAY

Hiện tại sau khi le lói tỉnh dậy sau cuộc phá sản cuối năm 2020, và đã được thực chiến sâu trong ngành MMO (Make Money Online) hơn 1.5 năm, mình đang đi sâu vào tìm hiểu về các cách thức kiếm tiền online chuẩn chỉnh cho chính bản thân mình ngoài công việc chạy Grab Bike duy trì cuộc sống đấy. Anh em nào chưa biết mình đã từng bán áo thun POD thì có thể đọc bài viết “Kiếm tiền online với POD – Bài 1 – Tổng quan và các bước chuẩn bị để bán POD” để hiểu thêm về một trong những cách mình kiếm tiền để vượt qua được bước đầu tiên trong các bước “Thoát khỏi khủng hoảng phá sản” nhé.

>>> Đọc thêm: KIẾM TIỀN ONLINE VỚI VIỆC BÁN HÀNG POD Ở THỊ TRƯỜNG ÂU – MỸ ÚC

Đối với việc kiếm tiền online, thì hiện tại là một trong những công việc mình cực ưa thích sau quãng thời gian lông rông ngoài đường mở app bắt khách. Thực sự thì hiện tại mình mới chỉ thoát khỏi khủng hoảng phá sản đấy, chứ cũng chưa thoát được nghèo mà chỉ cách cho anh em làm sao để giàu. Nhưng mình cũng phải thẳng thắn chia sẻ rằng: chính các kiến thức về quản lý tài chính và các phương pháp quản lý tài chính cá nhân mình từng làm và có được trong các bài viết chia sẻ cho anh em này, đã giúp mình thoát khỏi được cú shock những năm 2020 đó. Chứ không thì bây giờ mình đã không có cơ hội để ngóc đầu dậy mà làm lại cuộc đời, chứ đừng nói là tắt app Grab Bike ngồi viết blog chia sẻ cho anh em như thế này đâu.

Mình hứa xong những loạt bài về TÀI CHÍNH – KINH DOANH này, mình sẽ tiếp tục viết các loạt bài chia sẻ về KIẾM TIỀN ONLINE để chính anh em cũng có thể tự thân vượt thoát được nhé.

>>> Tham khảo thêm: ➡ TÀI CHÍNH - KINH DOANH

>>> Tham khảo thêm ➡ KIẾM TIỀN ONLINE

Cám ơn anh em đã đọc đến đây! Mình là Dũng, mình hay dậy sớm viết blog rồi chạy Grab để kiếm sống. Nghệ danh của mình là Chú Grab Nhiều Chuyện. Hehe 

ANH CHỊ EM THÍCH NỘI DUNG NÀY?
Mình thường gửi những nội dung như thế này cho mọi người hàng tuần. Hơn 1000+ người đang nhận thông tin. Anh chị em ấn vào nút ĐĂNG KÝ THEO DÕI BLOG dưới đây để nhận tin miễn phí qua email nhé.
>>> ➡ ĐĂNG KÝ THEO DÕI BLOG <<<

Thân ái và quyết thắng!

Bùi Quang Dũng

BUIQUANGDUNG.com - Here for Sharing
Cám ơn vì đã đọc bài viết của mình! Chúc anh em một ngày thật vui!

    Anh em hỏi gì mình đáp nấy! Mại dô đừng ngại!

    Write A Comment