3 cấp độ tiêu pha một anh tài xế Grab Bike đã trải qua để quản lý tài chính cá nhân hiệu quả

Chào anh em! Rất vui được gặp lại anh em trên blog về tài chính cá nhân và kiếm tiền online từ một anh tài xế Grab Bike của mình!

Ai là người chạy Grab Bike? Mình chứ ai nữa. Hiện tại mình dậy sớm mỗi ngày để viết blog chia sẻ về các kiến thức tài chính cá nhân, các kiến thức mảng kinh doanh online mình đã và đang làm, rồi chạy Grab Bike để duy trì cuộc sống.

Ở những bài chia sẻ trước về “Công thức 7 chiếc lọ tài chính cá nhân mà ai cũng làm được” hay “9 mẹo để hình thành cách quản lý tài chính cá nhân”, mình nhận được email từ một bạn đọc hỏi một câu hỏi rất hay là “Mình đã từng tiêu pha như thế nào để rồi phá sản rồi chạy Grab Bike vậy?”. Thiết nghĩ đây là một câu hỏi rất đúng đắn về quản trị tài chính cá nhân, nên hôm nay mình viết bài “3 cấp độ tiêu pha một anh tài xế Grab Bike đã trải qua để quản lý tài chính cá nhân hiệu quả” để chia sẻ cùng anh em nhé.

>>> Đọc thêm: CÔNG THỨC 7 CHIẾC LỌ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN MÀ AI CŨNG LÀM ĐƯỢC

>>> Đọc thêm: 9 MẸO HAY ĐỂ HÌNH THÀNH ĐƯỢC CÁCH QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN HIỆU QUẢ

Anh em phải hứa với mình, là đọc bài này anh em không được cười trên những trải nghiệm thực tế của mình nhé. Mình sẽ khóc thật nhiều đấy!

“Một người sống có sung sướng hay không không liên quan trực tiếp đến việc bạn có bao nhiêu tiền, nhưng nó liên quan mật thiết đến cách bạn tiêu tiền”

Trích dẫn hay trên mạng

Cấp độ thứ nhất: Tiêu nhiều hơn kiếm, càng làm càng nghèo

Tiêu nhiều hơn kiếm, càng làm càng nghèo là chưa biết gì về tài chính cá nhân
Cuối tháng nhận lương, đầu tháng hết tiền! Ối giời ơi

Mình phải khẳng định với anh em, trong gần 10 năm làm quần quật trong ngành tài chính ngân hàng, mình đã được gặp đủ loại người và quan sát được đủ cách tiêu tiền. Có không ít một bộ phận người làm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu. Làm việc vất vả cả tháng trời, nhưng trong tay lại không có lấy một đồng tiết kiệm, nhiều khi còn chi tiêu bằng cách vay bạn bè, xài thẻ tín dụng hay vay các khoản vay tiêu dùng. Và chính xác thì cấp độ này mình cũng đã từng trải qua, ngay từ những ngày đầu mình đi làm.

Mình ra trường đi làm với mức lương khởi điểm là 8 triệu, trừ đi bảo hiểm các thứ đi và cộng các khoản làm thêm giờ đi thì thực nhận khoảng 10 triệu. Ấy thế mà trong mấy tháng đầu tiên, cứ nhận lương xong cuối tháng thì đầu tháng sau tài khoản mình chẳng còn đồng nào. Anh em thấy kỳ bí vãi không? Một câu đố mà khó anh em nào chưa biết về hai khái niệm “quản lý tài chính cá nhân là gì” và “các kỹ năng quản lý tài chính cá nhân” khó có thể giải thích được.

Sau đó mình phải tự đi tìm câu trả lời, và chi tiết câu trả lời mình đã viết trong bài >>> “9 mẹo hay để hình thành được cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả” <<< anh em đọc trong Mục số 1 – Tập thói quen theo dõi thu chi để dần dần hình thành quy tắc quản lý tài chính cá nhân cho chính bản thân mình nhé.

Sau khi hình thành được thói quen theo dõi thu chi, mình bắt đầu kiểm soát được dòng tiền và công thức quản lý tài chính cá nhân rồi, thì “Èn Én En”, mình va phải chướng ngại hấp dẫn số 2 là “thẻ tín dụng”. Ôi trời ơi anh em ơi, anh em nào đang sử dụng thẻ tín dụng chưa đúng cách thì hãy đọc cho kỹ phần này.

Chi tiêu thẻ tín dụng không được kiểm soát sẽ làm kế hoạch tài chính cá nhân phá sản
Chưa hiểu rõ về thẻ tín dụng tốt nhất đừng chi tiêu một cách không kiểm soát! Mắc nợ đấy

Nhờ ơn giời biển của anh em đồng nghiệp các bên ngân hàng, mình được cấp một cái thẻ tín dụng hạn mức 30 triệu. Và anh em biết rồi đấy, tiền trên trời rớt xuống được đóng kín trong một cái thẻ nhựa gắn chip, với lời thì thầm khe khẽ “Hãy quẹt em đi! Quẹt thật nhiều và nhận những ưu đãi từ em anh nhé. Ma lực của lời thì thầm này nó lớn như việc anh em vừa được một cô gái xinh đẹp, tâm hồn căng đét tự dưng bước đến trước mặt và nói: Tối nay đi chơi với em nhé! Bố mẹ em không ở nhà.

Và chuyện gì đến rồi nó cũng đến: “Mình sập bẫy thu nhập trung bình“. Anh em ơi cầm cái thẻ tín dụng đi ăn đi chơi, đi tiêu pha nó sướng dã man anh em ạ. Cảm giác như đi tiêu tiền của người khác chứ có phải đi tiêu tiền của mình đâu.

>>> Đọc thêm: KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH CÁ NHÂN VÀ CÁCH VƯỢT QUA NỢ NẦN CHỒNG CHẤT

Tiêu thẻ tín dụng mà không có kế hoạch theo dõi, mình bắt đầu trả “số dư tối thiểu” và “số dư một phần” để gồng. Rồi có những tháng gồng không nổi lại phải đi mượn thằng này mấy triệu, thằng kia vài trăm, lãi chồng lãi, nợ chồng nợ. Lương nhận về lại quay nợ tháng trước. Ối giời ơi!

Và đến tận 6 tháng sau khi mà mình thấy cứ hao hụt chi tiêu hoài, vì những tháng trước mình tiết kiệm được rất nhiều, mà từ lúc dùng thẻ tín dụng bản ghi chép kế hoạch tài chính cá nhân của mình âm đỏ lòm. Khi bắt đầu hiểu ra vấn đề thì ngay lập tức mình huy động toàn bộ nguồn lực để triệt tiêu cái thẻ đó đi, và quay lại thói quen theo dõi kế hoạch quản lý tài chính cá nhân cũ với sự nuối tiếc dã man. Anh em hiểu cái cảm sung sướng khi cầm thẻ tín dụng đi tiêu xài mà, đúng không?

Mình có viết khá chi tiết về việc này trong bài “5 bài học về tài chính cá nhân hồi nhỏ mình không hề được bố mẹ dạy”, anh em có thể đọc để hiểu thêm về việc tiêu xài thẻ tín dụng không kiểm soát theo hoạch định tài chính cá nhân nhé.

>>> Đọc thêm: 5 BÀI HỌC VỀ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN MÀ HỒI BÉ MÌNH KHÔNG ĐƯỢC BỐ MẸ DẠY

Sau này mình ăn chưởng thêm một phát cũng là do thẻ tín dụng nữa, lúc đó ôm gần 700 triệu dư nợ thẻ sau phá sản mà mãi mới xử lý được, không thì bây giờ cũng khó mà ngóc đầu lên được rồi. Nhưng kinh nghiệm để thoát khỏi “khủng hoảng tài chính” này mình sẽ dành thời gian để viết chi tiết cho anh em đọc trong bài sau. Anh em cứ từ từ để ngấm dần trước các kiến thức về phương pháp quản lý tài chính cá nhân cái đã.

Kiếm tiền nhiều hay ít là do khả năng chẳng trách được, nhưng lập kế hoạch tài chính cá nhân và các kỹ năng quản lý tài chính cá nhân lại là do luyện tập mà thành. Tiêu tiền như nào là do anh em có quyền lựa chọn, nhưng một số anh em sẽ lại chọn sai giống như mình đã từng nè. Nhưng không sao, đã lỡ chọn sai rồi mình sửa. Còn cách sửa như nào thì anh em đọc tiếp cấp độ hai của việc tiêu pha trong bài này đã nhé.

Cấp độ thứ hai: có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, “tận hưởng” hiện tại

Làm được chừng nào tiêu hết chừng đấy không phải là người hiểu biết về tài chính cá nhân
Làm việc vất vả chúng ta có quyền xõa! YOLO đi anh em ơi!

Cấp độ thứ hai so với cấp độ thứ nhất thì nhìn có vẻ tốt hơn một chút. Ở cấp độ này thì anh em sẽ không tiêu nhiều hơn kiếm, cũng không vay mượn tiền của người khác. Kiếm được ít tiêu ít, kiếm được nhiều tiêu nhiều, đại diện cho cấp độ này là style sống “YOLO – You Only Live Once!” mà một bộ phận giới trẻ hiện đại đang học anh chị em Tây phương để xõa. Ở cấp độ này, anh em cũng sẽ không chi tiêu bốc đồng, cũng bớt rất nhiều sự sĩ diện hão hay lấy le trong mắt người khác như trong cấp độ một. Như mình hay bảo với bản thân mình sau những bài học lớn kia là: “Ở cấp độ này mình đã thông minh hơn một chút về việc thiết lập các nguyên tắc quản lý tài chính cá nhân”

>>> Đọc thêm: QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN THÔNG MINH VỚI CÔNG THỨC 6 CHIẾC LỌ 

>>> Đọc thêm: CÔNG THỨC 7 CHIẾC LỌ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN MÀ AI CŨNG LÀM ĐƯỢC 

Ở cấp độ này anh em cũng có thể gọi là kiểu “an phận”. Anh em hoàn toàn hài lòng với hiện tại, không có quá nhiều mưu cầu, cũng chưa muốn suy nghĩ tới chuyện tương lai, chỉ muốn sống cho tốt hiện tại, tận hưởng cuộc sống bla bla bla, cũng giống với suy nghĩ lúc đó của mình!

Rồi “BÙM”! Mình lập gia đình, sinh con. Ối giời ơi!

“Ối giời ơi! Xin kêu thất thanh lại một lần nữa để khẳng định cái sự ối giời ơi này!”

Một người đã từng hoảng loạn vì YOLO

Chi tiêu để nuôi cho một đứa trẻ con nó tốn gấp x3 lần so với việc mình chi tiêu cá nhân hàng tháng. Đến lúc mình tỉnh ngộ ra được vấn đề này thì mình cũng đã YOLO những khoản tiết kiệm của mình vào việc hưởng thụ cá nhân kha khá rồi. Còn chưa tính đến lúc tụi trẻ con nó ốm, nó đau phải vào bệnh viện thì anh em xác định cứ tiền triệu đội nón ra đi. Anh em nào có gia đình rồi thì thừa hiểu cái tâm lý này “Chi cho mình có thể bủn xỉn một chút! Nhưng chi cho con cái thì dày tay đừng hỏi”. Mình cũng chẳng khác gì anh em đâu.

Việc có con sẽ phá vỡ mọi kế hoạch tài chính cá nhân của bạn hiện tại
Nuôi con quả thực rất tốn tiền! Cơ mà vui thì cũng rất vui

Và chưa hết: khi bố mẹ bước vào tuổi già, bệnh tật bắt đầu ập tới một cách triền miên! Những lúc ấy nếu không có tiền thì anh em chỉ biết thẫn thờ ngồi khóc “Mình vô dụng quá! Ôi trời!”. Đấy là bố mẹ mình là công nhân viên chức về hưu, còn có bảo hiểm y tế chống đỡ, mà những khoản phát sinh khi vào bệnh viện để chữa bệnh nó còn lên tới hàng chục triệu đồng. Anh em nào gặp cảnh đấy đã từng tự “trầm cảm” ngồi một góc và liên tục phán xét bản thân chưa?

Không có dự định và kế hoạch tiết kiệm một tài khoản dự trù, việc này sẽ đem lại sự không chắc chắn cho tương lai. Không ai biết được tương lai sẽ xảy ra chuyện gì, nếu đột nhiên có vấn đề gì đó gấp gáp xảy ra, cần dùng tới tiền thì sao? Khi đó, anh em sẽ có thể rơi vào trạng thái hoang mang, hoảng loạn, thậm chí trầm cảm giống như mình từng bị vậy.

Trích dẫn này mang mục đích nhấn mạnh ý trên

Mình định viết thêm nữa, nhưng thôi đi đến kết luận luôn để anh em bớt cười mình, vì làm ở trong ngành tài chính xịn đét luôn, mà cũng rơi vào cấp độ số 2 này ấy à. Thay vì để chuyện như vậy xảy ra, chỉ bằng mỗi tháng trích ra một chút cất đi, dù chỉ là 10% thu nhập, đừng tiêu hết toàn bộ. Anh em tiết kiệm được chút nào, tương lai sẽ thêm được ngần đó cảm giác an toàn. Anh em có thể tham khảo thêm về “Chiếc lọ số 2” trong bài viết dưới của mình để hiểu thêm về “tiết kiệm dài hạn” nhé.

>>> Đọc thêm: CÔNG THỨC 7 CHIẾC LỌ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN MÀ AI CŨNG LÀM ĐƯỢC 

Cấp độ thứ ba: Có tầm nhìn xa, có kế hoạch, tích lũy ngày một nhiều

“Có những người tiêu rất ít tiền, nhưng tiêu lần nào đáng lần đó, họ có thể bỏ ra số tiền ít nhất để khiến bản thân sống thoải mái và đầy đủ nhất. Mỗi một đồng tiền tiêu ra đều có giá trị, đều có ý nghĩa. Họ đã đạt được cấp độ thứ ba trong nghệ thuật quản lý tài chính cá nhân rồi đấy”

Từ một người nghèo nhìn thấy cách tiêu tiền của một người đã giàu
Khi các kỹ năng quản lý tài chính cá nhân đã trở thành nghệ thuật
Cấp độ này các kỹ năng quản lý tài chính cá nhân đã thành nghệ thuật

Nhìn trong ngắn hạn, mình trước đây khi chưa hiểu chuyện (lúc còn ở cấp độ thứ nhất ấy), rất hay đánh giá những người sống có kế hoạch như thế là sống rất “bần”. Nhưng nhìn trong dài hạn, mặc dù không thể hết mình “tận hưởng cuộc sống YOLO hiện tại”, thay vào đó, họ có thêm tự tin và an toàn để đối mặt với tương lai với số tiền mà mình tiết kiệm được. Về lâu về dài, về già, họ có lẽ mới là những người sung sướng hơn. Trên thực tế, cách tiêu tiền của một người thường ẩn chứa tầm nhìn và “tầng mây” mà họ đang ở. Ối giời ơi! Khi mình hiểu ra được thì vỡ òa anh em ạ, kiểu như lúc đó mình mới được giác ngộ về tài chính ấy.

Anh em biết là, 4 năm mình học chuyên ngành Tài chính quốc tế ở đại học, thầy cô dạy hết cho tất cả những kiến thức về tài chính rồi. Nhưng mà phải sau khi ra trường, thêm gần 10 năm làm việc ở ngành tài chính ngân hàng, rồi lăn lộn ngoài thương trường gần 4 năm sau đó phá sản sấp mặt, mình mới bắt đầu thành thạo được hết kiến thức và có được các bí quyết quản lý tài chính cá nhân như bây giờ.

Hóa ra việc học trước đây của mình chỉ là học đọc thuộc lòng! Có vẻ sau khi học xong cái gì mình cũng biết, nhưng rốt cuộc lúc bắt tay vào làm rồi thì lại chẳng biết cái gì!

Một người rất hay kêu “Ối giời ơi!”

So với quãng thời gian trước, tư duy tài chính của mình hiện tại đang được chuyển hóa khác với hai cấp độ trước rồi. Nói thực thì mình chưa đạt được đến cấp độ này đâu, nhưng mà mình vẫn đang thực hành hằng ngày để những tư duy này trở thành kỹ năng chuyên biệt trong việc làm sao để quản lý tài chính cá nhân hiệu quả nhất. Và đương nhiên mình muốn là người cấp độ ba này lắm chứ!

>>> Đọc thêm: THU NHẬP THỤ ĐỘNG – TOP 13 CÔNG VIỆC TẠO THU NHẬP THỤ ĐỘNG PHỔ BIẾN NHẤT HIỆN NAY

Tôi muốn tự do tài chính nên bắt buộc phải quản lý tài chính cá nhân thật tốt
Mình muốn tự do tài chính lắm lắm anh em ạ! Anh em có muốn thế không?

Chia sẻ với anh em thêm một chút, sau cú shock tài chính năm 2020, bây giờ mình làm cái gì về tiền mình cũng luôn xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân và thống kê theo dõi cực kỳ kỹ, mà có quy trình đối soát đàng hoàng chứ không để tiền ra tiền vào bậy bạ như ngày xưa nữa. Đồng thời mình rất nghiêm khắc yêu cầu bản thân nghiêm túc chấp hành. Chứ kinh nghiệm của mình va vấp bao nhiêu năm, chỉ cần không nghiêm khắc chấp hành một ngày thôi là mọi kế hoạch anh em vạch ra, tính kỹ phương án, xin đủ lời khuyên, đọc đủ loại sách, rồi thì mà là vẫn vỡ như thường.

>>> Đọc thêm: THU NHẬP THỤ ĐỘNG – TOP 13 CÔNG VIỆC TẠO THU NHẬP THỤ ĐỘNG PHỔ BIẾN NHẤT HIỆN NAY

>>> Đọc thêm: KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH CÁ NHÂN VÀ CÁCH VƯỢT QUA NỢ NẦN CHỒNG CHẤT

Bất kể kiếm được nhiều hay kiếm được ít, anh em hay tập thêm mọi thói quen nữa là “nghĩ cho sau này”! Chứ đến lúc gặp những sự kiện khủng hoảng như mình, anh em sẽ trầm cảm nhập viện hết đấy. Anh em không chỉ nên tập thói quen “tém” lại mong muốn mua sắm, tiêu tiền của mình, mà còn nghĩ tới chuyện tiết kiệm hay có những kế hoạch tài chính giúp tiền sinh tiền, có một hậu phương vững chắc cho tương lai cho bản thân mình và cả con cái mình nữa.

“Không tiêu xài hoang phí, nỗ lực kiếm tiền, tiền mình kiếm chân chính, biết cách quản lý, tự nhiên sẽ ngày một nhiều hơn. Một người biết “tém” lại cái khát khao mua sắm của mình, họ không phải là khổ hành tăng, họ là những người biết làm chủ cuộc sống của mình”

Trích dẫn hay trên mạng

Trong thực tế cuộc sống, không phải ai cũng phải trải nghiệm đủ ba cấp độ tiêu pha như trong bài này vừa viết, có những người sinh ra họ đã nhảy vọt lên cấp độ thứ ba kiểu bẩm sinh rồi. Nhưng thú thực với anh em những người bẩm sinh như vậy hiếm lắm, mà hầu hết tất cả những người đạt đến cấp độ này rồi, họ cũng phải luyện tập và nỗ lực rất nhiều để trải qua những lần rớt đài vậy đó.

Quản lý tài chính cá nhân thật tốt là đang tiệm cận đến gần hơn sự tự do tài chính
Quản lý tài chính cá nhân thật tốt là đang tiệm cận đến gần hơn sự tự do tài chính

Nhân bài viết này, mình cũng rất muốn gửi lời cảm ơn đến bố mẹ, những anh em thân thiết, những chủ nợ dài hạn, đã đưa cánh tay ra giúp đỡ mình trong những năm tháng mình kiệt quệ từ tài chính đến tinh thần. Mình xin hứa mình sẽ cố gắng duy trì sức khỏe, chăm chỉ chạy Grab, dành thời gian để tìm ra những phương thức kiếm tiền online và xây dựng lại các nguồn thu nhập thụ động khác nữa, để vững vàng trong sự nghiệp vượt thoát nhiều năm sắp tới. Xin chân thành cám ơn và lòng nghẹn ngào!

Một anh tài xế chạy Grab Bike!

Thế thôi anh em nhé, mình chia sẻ đến đây thôi. Bài này đã dài, sức này đã kiệt, mình phải đi kiếm tiền cho đủ KPIs vợ giao ngày hôm nay đây.

Mình là Dũng! Mình hay dậy sớm viết blog về tài chính cá nhân và kiếm tiền online, rồi chạy Grab Bike để duy trì cuộc sống. Nghệ danh của mình là “Chú Grab nhiều chuyện”. Hehe

ANH CHỊ EM THÍCH NỘI DUNG NÀY?
Mình thường gửi những nội dung như thế này cho mọi người hàng tuần. Hơn 1000+ người đang nhận thông tin. Anh chị em ấn vào nút ĐĂNG KÝ THEO DÕI BLOG dưới đây để nhận tin miễn phí qua email nhé.
>>> ➡ ĐĂNG KÝ THEO DÕI BLOG <<<

Thân ái và quyết thắng!

Bùi Quang Dũng

BUIQUANGDUNG.com - Here for Sharing
Cám ơn vì đã đọc bài viết của mình! Chúc anh em một ngày thật vui!

Write A Comment