Tài chính cá nhân – Bí mật về bảo hiểm nhân thọ & Bí quyết bảo vệ rủi ro tài chính

Chào anh em! Mình lại quay trở lại với anh em trong blog tài chính cá nhân và kiếm tiền online của mình đây. 

Sau bài chia sẻ “Công thức 7 chiếc lọ tài chính cá nhân” mà mình dựa trên “Quy tắc 6 chiếc lọ tài chính thần thánh”, có mấy anh em nhắn mình hỏi chi tiết và tham vấn thêm về “Lọ số 5 – Bảo vệ rủi ro”. Nhân tiện sáng hôm nay mình ngồi lục lại facebook, thấy một bài post cũ trên đó của mình, mà hồi trước được gần 300 likes với tựa đề là “Tại sao mình mua nhiều bảo hiểm nhân thọ thế”, mình lại ngồi xuống, nhấp ngụm trà, tĩnh tâm viết lại bài này một cách chi tiết, chuẩn SEO, chuẩn blogger cho anh em đọc thêm.

>>> Đọc thêm: CÔNG THỨC 7 CHIẾC LỌ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN MÀ AI CŨNG LÀM ĐƯỢC 

Anh em hứa với mình là không được tìm bài gốc trên facebook cá nhân của mình để đọc nhé! Vì bài gốc hồi đó mình viết với ngôn từ rất trẻ trâu, chưa được học hành tử tế về cách hành văn, chưa hiểu về kiến thức SEO, cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ nghiêm túc ngồi viết blog kỹ năng quản lý tài chính cá nhân như thế này. Thế nên bài viết này mình vẫn giữ tựa đề gốc là “Tại sao mình mua nhiều bảo hiểm nhân thọ thế?”, vì đúng là mình mua nhiều thật! Anh em ngồi xuống kia, nhấp một ngụm trà mát, thở ra một hơi thật dài tĩnh tâm và nghe mình trình bày nhé! Bài này dài phết đấy.

I. Tại sao mình mua nhiều bảo hiểm nhân thọ thế?

1. Mình học tài chính, và bảo hiểm là một nghiệp vụ bắt buộc mình phải học và hiểu rất rõ

Bảo hiểm là một ngành con thuộc khối ngành tài chính rộng lớn
Ngành bảo hiểm là một ngành con trong ngành tài chính

“Bảo hiểm là một ngành con nằm trong ngành tài chính rộng lớn. Và nghiệp vụ về bảo hiểm thì là môn gần như bắt buộc trong các ngành đào tạo tài chính nói chung”

Ngay từ lúc ra trường đi làm từ cuối năm 2013, nhờ hiểu rõ ý nghĩa, tính chất, cách thức hoạt động của bảo hiểm và bảo hiểm nhân thọ, nên sau khi mình bắt đầu biết lập kế hoạch quản lý tài chính cá nhân và có một số tiền dư rồi, thì mình đã dành ra một phần thu nhập của mình để mua gói bảo hiểm nhân thọ đầu tiên của Prudential với mệnh giá 10 triệu. Và tiện tay lúc đó mình mua cho bạn người yêu của mình cũng một gói tương đương. May quá đến bây giờ bạn người yêu đó là vợ mình. Anh em độc thân nên xài chiêu này để có vợ nhé!

Ở trong bài nói về “Công thức 7 chiếc lọ”, phần Lọ số 5 về Bảo vệ rủi ro, mình cũng đã viết ra rất nhiều dẫn chứng về sự cần thiết của các loại bảo hiểm như: Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Nhân thọ rồi…, anh em có thể tìm đọc lại bài này để hiểu thêm nhé. Mình kể thêm chuyện của mình để anh em đọc cho vui thôi.

>>> Đọc thêm: QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN THÔNG MINH VỚI CÔNG THỨC 6 CHIẾC LỌ 

>>> Đọc thêm: CÔNG THỨC 7 CHIẾC LỌ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN MÀ AI CŨNG LÀM ĐƯỢC 

Nếu anh em đã từng nằm Bệnh viện Việt Đức đến 3 lần như mình, thì anh em thừa biết việc sở hữu tấm kim bài bảo hiểm nó quan trọng như thế nào nhé. Vào bệnh viện cực tốn tiền, nhất là những lần mình thừa sống thiếu chết ở trong bệnh viện do nghịch ngu thời trẻ dại. Nếu ngày xưa bố mẹ không mua bảo hiểm y tế cho mình, mỗi lần nằm như thế nhà mình mất số tiền tương đương con SH. Mà nhà mình là nhà công nhân viên chức bình thường, làm gì có nhiều tiền mà chơi kiểu “sang chảnh” vậy. Đùa chứ ngoài việc bảo hiểm chi trả cho mình những lần như thế, mình cũng phải cám ơn các cụ nhà mình vì đã gánh mạng mình còng cả lưng.

Các loại bảo hiểm thường thấy
Nói về bảo hiểm thì chắc phải dành 10 bài viết để mình viết cho anh em hiểu

Thế nên anh em biết đấy, ngay khi mình tốt nghiệp đại học đi làm, mặc dù ngân hàng chỗ mình làm đã bao thầu cho mình đủ các công cụ bảo hiểm. Thậm chí là mình còn được hưởng thêm bảo hiểm sức khỏe hạng Vàng của Bảo việt (cho cả gia đình bao gồm vợ – chồng – con cái bao nhiêu đứa cũng được), cộng với bảo hiểm sinh mạng theo chế độ của công ty đa quốc gia, mình vẫn tự ốp thêm cho mình thêm các gói bảo vệ ngoài nữa. Anh em thấy làm việc cho công ty đa quốc gia nhiều quyền lợi không? Nhưng mà vất vả lắm, có thời gian mình sẽ viết bài chia sẻ về những câu chuyện thú vị ở “Ngân hàng nơi mình từng làm” cho anh em cùng biết nhé.

Và sau đó, lúc mình lập gia đình, có con thì mình tiếp tục bảo vệ cho gia đình bằng các gói bảo hiểm nhân thọ tương ứng với từng mục đích sử dụng, và phù hợp với hoạch định tài chính cá nhân. Đến bây giờ nhà mình còn duy trì 8 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, không tính 2 cái đã bị mất hiệu lực từ những năm 2021 vì hồi đó phá sản sấp mặt không có tiền mà trả phí.

2. Mua bảo hiểm là đầu tư?

Bảo hiểm là bảo vệ rủi ro hay đầu tư trong kế hoạch tài chính cá nhân
Bảo hiểm là bảo vệ rủi ro hay đầu tư? Anh em nghĩ sao

“Mua bảo hiểm là đầu tư cho việc bảo vệ rủi ro thì đúng! Chứ mua bảo hiểm xét về góc độ đầu tư tài chính thì anh em lỗ chắc”

Một người biết chạy dòng tiền trên excel cho hay

Nếu anh em nào đã từng tìm hiểu về các gói bảo hiểm nhân thọ, thì không lạ gì việc tư vấn viên thiếu kiến thức về tài chính cá nhân sẽ tư vấn cho anh em là “Mua bảo hiểm nhân thọ này rồi sẽ sinh lợi”. Nếu anh em nào đã từng biết về khái niệm dòng tiền, lãi suất kép hay các khái niệm tài chính cá nhân cơ bản, thì anh em sẽ biết thừa “dòng tiền sinh lãi từ bảo hiểm còn không bằng anh em mang số tiền đấy đi gửi ngân hàng”.

Hiện tại những năm gần đây, thị trường tài chính đã xuất hiện theo các gói bảo hiểm nhân thọ thiết kế cùng với việc liên kết quỹ đầu tư. Nhưng mình chân thành mà nói, bảo hiểm vẫn là bảo hiểm, đầu tư vẫn là đầu tư, anh em nên tách khái niệm ra để khỏi kêu trời khi mà anh em chưa hiểu rõ về sản phẩm này. Những người ở cấp độ thứ ba trong bài viết “3 cấp độ tiêu pha mà mọi người đều trải qua” mới có đủ am hiểu và vận dụng các sản phẩm liên kết đầu tư này một cách xuất sắc anh em ạ.

>>> Đọc thêm: BA CẤP ĐỘ TIÊU PHA MỘT ANH TÀI XẾ GRAB BIKE ĐÃ TRẢI QUA ĐỂ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN HIỆU QUẢ

3. Mua bảo hiểm là không khôn ngoan, là dại?

“Đối với bản thân mình nói riêng, thì việc mình chi tiền ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là mình đang mua sự may mắn”

Một người thích sự may mắn chia sẻ

Rủi ro là gì mình đã nói khá kỹ trong bài “Công thức 7 chiếc lọ tài chính”. Đối với quan điểm trong “Công thức 6 chiếc lọ” hay “Quy tắc 6 chiếc lọ” thì phần bảo vệ này hầu không có được nhắc tới. Nhưng riêng đối với cá nhân mình mình lại cắt 5% ở “Lọ số 1 – Chi dùng thiết yếu” ra để mình chuyển sang “Lọ số 5 – Bảo vệ rủi ro” trong công thức công thức quản lý tài chính cá nhân của mình. Và những tác dụng của bảo hiểm đối với bản thân và gia đình thì mình xin chia sẻ một số ý như sau, đối với tất cả những gói bảo vệ mình từng mua:

Mua bảo hiểm là mua sự may mắn trong kế hoạch tài chính cá nhân
Mình thích sự may mắn nên mình đi mua sự may mắn thôi
  • Khi có một số hợp đồng bảo hiểm nhất định cho bản thân và gia đình, mình có được sự yên tâm nhất định. Ít nhất nếu có rủi ro lớn đối với sinh mạng, thì đảm bảo việc học tập cho 2 thằng con nhà mình đã được công ty bảo đảm. Dù gì thì mình cũng là lao động chính trong nhà mà, mà tính còn hay lo xa. Thế nên trong kế hoạch tài chính cá nhân của mình phải có bảo hiểm. 
  • Khi có một số hợp đồng bảo hiểm nhất định, nếu mình có mắc phải các bệnh hiểm nghèo, thì một phần chi phí lớn sẽ được công ty chi trả, đỡ một phần gánh nặng tài chính cho người thân. Việc này anh em nào đã từng còm cõi nằm ở viện chăm sóc người nhà ở bệnh viện vì bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo thì có thể thấy rõ, tốn tiền lắm ấy. Lường trước các rủi ro cũng là một kỹ năng trong quản trị tài chính cá nhân mà mình được học.
  • Khi có một số hợp đồng bảo hiểm nhất định, đã đóng phí qua một thời gian dài thì anh em có thêm một khoản tích lũy nhỏ. Khoản tích lũy ấy nếu cần trong trường hợp đuối dòng tiền anh em vẫn có thể sử dụng nó như một khoản vay ngắn hạn, hoặc như vay tiền từ thẻ tín dụng ấy. Chính những khoản vay ngắn hạn từ các hợp đồng bảo hiểm mình đã mua đã giúp mình khá nhiều trong giai đoạn 2020-2021, trong khủng hoảng vỡ kế hoạch quản lý tài chính cá nhân vì phá sản.
  • Khi tìm mua một gói bảo hiểm nhân thọ, mà anh em gặp được một tư vấn viên có kiến thức và kỹ năng tốt, thì anh em còn có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về một loại sản phẩm tài chính rất đặc thù. Mình đã từng dùng cách này để học thêm về kiến thức thực tế: “Book lịch đi gặp các tư vấn viên để họ tư vấn cho mình, và tự dưng mình có thêm kiến thức”. Mà hiểu rõ thêm một sản phẩm tài chính, thì anh em đang từng bước tiệm cận đến nghệ thuật quản lý tài chính cá nhân rồi đấy.
  • Đối với bản thân mình nói riêng, thì việc mình chi tiền ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là mình đang mua sự may mắn. Nói ra chuyện này thì hơi tâm linh, nhưng từ năm 2014 lúc mình đặt bút ký vào hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đầu tiên, cho đến giờ thì mình chưa có thêm một lần nào phải nhập viện với những ca nặng như nằm ở bệnh viện Việt Đức nữa cả . Sốt vặt cảm cúm hay kiểu sốt virus dai dẳng thì mình không tính, vì mấy cái đấy là bên bảo hiểm sức khỏe họ chi trả. Các công ty bảo hiểm nhân thọ yêu mình lắm lắm đấy anh em ạ.

Đến tận giờ thì mình cũng chả biết là mình khôn hay dại, cơ mà mình với cá nhân mình thì mình thấy sản phẩm này phù hợp với nhu cầu và quy tắc quản lý tài chính cá nhân của mình. Anh em có thể tự tìm tiếp các lý do phù hợp với bản thân mỗi người nhé. 

>>> Tham khảo thêm : “CÔNG THỨC 7 CHIẾC LỌ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN MÀ AI CŨNG CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC”

“Khi đã xác định sử dụng một sản phẩm nào đó, nhất là sản phẩm trong ngành tài chính, chúng ta cần tìm hiểu kỹ lưỡng và cân nhắc nhu cầu phù hợp”

Một người có kinh nghiệm tiêu dùng sản phẩm tài chính cho biết

4. Tại sao mình lại mua nhiều gói bảo hiểm thế?

bảo hiểm nhân thọ có rất nhiều sản phẩm được thiết kế cho nhiều nhu cầu khác nhau
Bảo hiểm hay bảo hiểm nhân thọ đều có rất nhiều sản phẩm được thiết kế với nhu cầu khác nhau

“Bảo hiểm là một nghiệp vụ tài chính. Và sản phẩm được thiết kế để phù hợp với những nhu cầu khác nhau trong các loại rủi ro khác nhau”

Một người hiểu về tài chính – ngân hàng – bảo hiểm cho hay

Câu hỏi này trước đây mình đã phải giải thích cho rất nhiều người lý do tại sao đến tận bây giờ mình đã đặt bút ký vào 10 hợp đồng bảo hiểm, và giữ lại tổng cộng 8 cái hợp đồng còn giá trị bảo vệ. Như mình đã trích dẫn ở trên, thì mỗi sản phẩm được thiết kế cho một nhu cầu bảo vệ riêng biệt trong việc xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân từng người. Ví dụ mình có thể liệt kê ra:

  • Bảo vệ cho rủi ro sinh mạng.
  • Bảo vệ cho rủi ro mắc các bệnh hiểm nghèo.
  • Quỹ hưu trí (Kha khá giống với bảo hiểm xã hội)
  • Quỹ học tập (Đảm bảo việc học hành cho con cái)
  • Đầu tư liên kết với quỹ

.v.v.

Nhu cầu của con người không phát sinh toàn bộ ngay lập tức, mà thường thì đến thời điểm hoàn cảnh tới thì con người mới nhận ra. 

Ví dụ hồi 2014, mình chỉ mua 2 gói cho mình và vợ mình (lúc đó chưa cưới). Nhưng khi thời điểm bầu bí đứa đầu tiên, mình đã phát sinh nhu cầu bảo vệ cho mẹ và con, đó là hợp đồng thứ 3 mình ký. Đến thời điểm thằng lớn nhà mình sinh ra và đầy tháng, mình mua thêm hợp đồng thứ 4 để bảo vệ thêm cho tính mạng của mình và đảm bảo cho quỹ học tập của con về sau. Và đến thời điểm thằng lớn 1 tuổi mình ký thêm một hợp đồng thứ 5 tương tự như hợp đồng số 4, nhưng có thêm các sản phẩm bổ trợ khác vào thời điểm đó. Mình làm y hệt thế cho các hợp đồng thứ 6-7-8 cho thằng thứ hai của nhà mình. 

Lập kế hoạch tài chính cá nhân và xác lập quỹ bảo vệ rủi ro
Mình yêu cái gì thì mình cứ bảo vệ cái đó thôi anh em nhỉ

Sau này mình còn làm thêm 2 hợp đồng thứ 9 & 10 nữa để tăng cường các hạng mục bảo vệ rủi ro cho mình cộng thêm nghiệp vụ liên kết đầu tư. Nhưng hơi đen là những năm 2020-2021 là thời điểm khủng hoảng tài chính sâu của mình, nên mình quyết định dừng 2 sản phẩm này để bảo toàn lực lượng, bớt đi gánh nặng tài chính tại thời điểm đó. 8 hợp đồng khác mình vẫn giữ cho đến nay.

>>> Đọc thêm: KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH CÁ NHÂN VÀ CÁCH VƯỢT QUA NỢ NẦN CHỒNG CHẤT

Đây tất cả là những gì mình chia sẻ thực tế về phần Lọ số 5 trong bài “Công thức 7 chiếc lọ tài chính cá nhân mà ai cũng làm được”. Anh em đã từng đọc bài này rồi, và cũng có người muốn mình cho lời khuyên về mục này. Nhưng cá nhân mình chỉ liệt kê một số lý do phù hợp với kiến thức mình có & trải nghiệm cá nhân để kết luận cho bản thân mình, chứ lời khuyên thì mình không đưa ra cho anh em được:

  • Đối với mình, bảo hiểm nhân thọ là cần thiết và phù hợp với nhu cầu về thiết lập kế hoạch quản lý tài chính cá nhân.
  • Mình luôn tư duy mua bảo hiểm là mua sự may mắn cho bản thân và gia đình, sau đó mới đến là sự bảo vệ trong các bước lập kế hoạch tài chính cá nhân.
  • Bảo hiểm bản chất là một nghiệp vụ rất thực tế trong quản trị tài chính. Chính những tư vấn viên thiếu kiến thức tài chính vì “chạy theo doanh số, bán bất chấp” nên mới làm cho khách hàng “cảm thấy bảo hiểm nhân thọ lừa đảo” và đánh đồng các công ty bảo hiểm nhân thọ là lừa đảo. 
  • Mua bảo hiểm phải dựa trên phân bổ thu nhập cố định và không cố định, anh em đừng dại mà nghe lời ngon ngọt từ các tư vấn viên mà rồi mua những hợp đồng quá với sức khỏe tài chính của mình.

Cho đến hiện tại thì mình không còn làm chuyên về mảng tài chính – ngân hàng – bảo hiểm nhiều nữa. Nhưng với kiến thức tài chính và kinh nghiệm thực tế khi đã đặt bút ký 10 cái hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, với đủ loại nhu cầu, thì mình sẽ viết thêm một phần về kinh nghiệm chọn “sản phẩm bảo hiểm nhân thọ” và chọn “tư vấn viên bảo hiểm” như thế nào cho anh em cùng đọc nhé.

II. Kinh nghiệm chọn “sản phẩm bảo hiểm nhân thọ” và “tư vấn viên bảo hiểm nhân thọ”

1. Xác định nhu cầu bảo vệ của bản thân và gia đình. 

Xác định nhu cầu bảo hiểm nhân thọ trong lập kế hoạch tài chính cá nhân
Nhu cầu bảo hiểm của cá nhân và gia đình anh em là gì?

Như mình đã viết ở mục 4 thì anh em hiểu là sản phẩm bảo hiểm được chia ra để phù hợp với nhiều nhu cầu bảo vệ rủi ro khác nhau trong các cách quản lý tài chính cá nhân khác nhau. Vì vậy anh em phải xác định được nhu cầu chính xác mua bảo hiểm nhân thọ để làm gì đã: 

  • Bảo vệ cho rủi ro sinh mạng.
  • Bảo vệ cho rủi ro mắc các bệnh hiểm nghèo.
  • Quỹ hưu trí (Kha khá giống với bảo hiểm xã hội)
  • Quỹ học tập (Đảm bảo việc học hành cho con cái)
  • Đầu tư liên kết với quỹ

.v.v.

Mỗi sản phẩm sẽ thiết kế cho một nhu cầu khác nhau anh em nhé. Xác định được càng rõ nhu cầu này thì càng xây dựng tốt các nguyên tắc quản lý tài chính cá nhân sau này.

2. Xác lập quỹ tài chính cho phần bảo vệ rủi ro

Tinh toan nhu cau
Tính toán được con số anh em chi cho bảo vệ rủi ro bao nhiêu càng kỹ càng tốt

Ví dụ như trong bài “Công thức 7 chiếc lọ”, ở phần số 5 mình có viết là nên để dành 5% thu nhập cho việc bảo vệ rủi ro. Như mình hiện tại là 10% cho tổng các gói bảo hiểm đang chi trả cho cả gia đình trong 1 năm, cũng căng trong giai đoạn hiện tại đấy nhưng mà không sao vẫn gồng được. Có một điểm mà trước đây mình hiểu sai về định nghĩa trong báo cáo tài chính cá nhân về thu nhập, rồi áp dụng sai là:

“Tổng thu nhập = Thu nhập cố định + Thu nhập không cố định”

Công thức ai cũng biết

Thu nhập cố định là khoản lương cứng hàng tháng anh em nhận. Còn thu nhập không cố định là những khoản thưởng, thu nhập ngoài, làm thêm giờ, làm thêm các công việc kiếm tiền online rồi các dự án chuyên ngành chẳng hạn… Xác định được rõ 2 khoản này rồi thì chúng ta mới xác lập quỹ tài chính cho bảo vệ rủi ro như sau. Cái này là bí quyết quản lý tài chính cá nhân của mình nhé:

  • Trường hợp 1: Thu nhập cố định > Thu nhập không cố định

=> Số tiền phí đóng bảo hiểm = Thu nhập cố định x 5%

Phương án này sẽ bớt được rủi ro anh em phải gồng lên mà trả phí bảo hiểm trong trường hợp anh em  bị mất đi cái khoản thu không cố định. Gồng mệt lắm, anh em hãy nhìn vào tấm gương là mình những năm kiệt sức vì mất dòng tiền.

  • Trường hợp 2: Thu nhập cố định <= Thu nhập không cố định

=> Số tiền đóng phí bảo hiểm = (Thu nhập cố định + Thu nhập không cố định)/2 x 5%

Cộng tổng lại, chia đôi ra rồi nhân với 5% là chắc bắp nhất. Chứ với kinh nghiệm của mình đã từng phải gồng phí bảo hiểm vì quá sức, nó mệt mà lao lực lắm anh em.

  • Trường hợp 3: Freelancer không có thu nhập cố định.

Đối với freelancer không có thu nhập cố định thì bài toán nó sẽ nan giải hơn rất nhiều khi phải nhìn bức tranh tổng thể tài chính và quản lý tài chính của anh em, chi tiết mình sẽ dành thời gian để viết sau. Nhưng mà mình vẫn có một công thức nhỏ: 

=> Lương tự trả cho bản thân để sống đủ x 5%

>>> Đọc thêm: KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH CÁ NHÂN VÀ CÁCH VƯỢT QUA NỢ NẦN CHỒNG CHẤT

Còn tự trả cho bản thân như nào thì mình cũng không dám nói chắc, vì mình cũng chưa biết anh em kiểm soát tài chính cá nhân như thế nào nữa. Anh em cần tư vấn thêm thì gửi email cho mình nhé.

Oke rồi. Xác lập xong quỹ tài chính cho dự phòng rủi ro rồi thì…

3. Chọn công ty bảo hiểm

Về bản chất thì các công ty bảo hiểm không khác nhau nhiều lắm về cơ cấu tổ chức hay cơ cấu vận hành, hay các loại sản phẩm. Anh em yêu thích công ty nào thì cứ liên hệ công ty đó. Mình vẫn khẳng định lại câu nói của mình “Không có công ty bảo hiểm nhân thọ nào lừa đảo cả, là do tư vấn viên làm cho công ty đó thiếu kiến thức và kinh nghiệm nên tư vấn cho khách hàng sai thôi”

top cac cong ty bao hiem nhan tho hang dau viet nam
Các công ty bảo hiểm nhân thọ trên thị trường Việt Nam

Cá nhân mình đã tìm hiểu qua sản phẩm của 13 công ty khác nhau trên thị trường. Và 8 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của mình hiện tại đang ở các công ty sau, mình cũng nêu rõ lý do vì sao mình thích nhé:

Prudential: 3 hợp đồng

  • Thích cái thông điệp: Mình biết Prudential từ hồi còn bé xíu với cái quảng cáo trên tivi “Luôn luôn lắng nghe! Luôn luôn thấu hiểu”. Anh em nếu biết công ty này thì phải thừa nhận với mình một điều là “Quảng cáo của công ty này cực ý nghĩa và nhiều thông điệp”. Ui mình xem mà khóc hết nước mắt luôn ấy anh em ạ. Làm truyền thông là phải làm như ông này với quảng cáo Thái Lan ý. Hết nấc
  • Ngân hàng chỗ mình làm trước đây là đơn vị hợp tác chiến lược với Prudential. Quy trình để thành đối tác chiến lược của một ngân hàng đa quốc gia (có tại hơn 60 nước trên thế giới) thì anh em biết nó khó khăn và lằng nhằng như nào rồi đấy. Mình chọn vì uy tín và sự lâu đời.
  • Tư vấn viên có trình độ: cái này mình rất thích à nha. Tư vấn viên nào có kiến thức sâu về tài chính & bảo hiểm mình nghe tư vấn là mình biết liền. Tính mình thì hay vặn vẹo nữa nên tư vấn viên nào mà “bán cố cho mình” là thua từ vòng trả tiền cà phê và đi về luôn rồi. Nhưng nhìn chung mặt bằng chất lượng tư vấn viên của bên này ổn, các anh rất đẹp trai và các chị cũng rất xinh gái.
  • Dịch vụ khách hàng: có tổng đài chăm sóc khách hàng riêng. Đến kỳ đến tháng đóng phí gọi điện nhắc rất lịch sự, Những ngày lễ tết, kỷ niệm đều được đối xử như một người đáng được tôn trọng. Đặc biệt, vào thời kỳ khủng hoảng tài chính, mình đã được gia hạn đóng phí các hợp đồng từ 60 ngày lên đến tận 180 ngày nhờ chính sách hỗ trợ Covid. 10 điểm!

Manulife: 4 hợp đồng

  • Công ty này là công ty có thị phần lớn nhất trong ngành bảo hiểm cho đến hiện tại. Cũng đúng thôi vì ông này vào Việt Nam đầu tiên, và đến giờ vẫn là công ty rất uy tín và lâu đời . Mặc dù là anh em làm truyền thông quảng cáo bên Manulife hơi dở, thông điệp mang đến cho người dân đen như chúng ta không mấy xuất sắc. Anh em làm truyền thông Manulife đọc được cái này đừng chửi mình nha.
  • Sản phẩm đa dạng, phong phú, và thường sản phẩm của Manulife thì đi đầu thị trường luôn anh em ạ. Các công ty khác cứ xách dép chạy theo. Đội thiết kế sản phẩm của Manulife giỏi phết đấy.
  • Quy trình đào tạo khá là ổn. Nhưng mà chất lượng tư vấn viên của Manulife mình có cảm giác không đồng đều, chênh lệch trình độ giữa tư vấn viên giỏi và không giỏi là rất khác nhau. Mình thì đương nhiên mình chọn tư vấn viên giỏi rồi, mình biết lựa chọn nên cái này cũng không vấn đề gì với mình cả. Tư vấn viên quản lý các hợp đồng của mình hiện tại mình cho 10 điểm cả về kỹ năng lẫn kiến thức và kinh nghiệm.
  • Dịch vụ khách hàng: bên Manulife đẩy việc chăm sóc khách hàng cho tư vấn viên hết, nên thành ra đội bên tổng đài theo mình cho điểm chỉ cho 6/10 thôi. Mình thấy hơi chối tai khi nghe đội nhắc đóng phí bên Manulife gọi. Còn bạn tư vấn viên quản lý hợp đồng của mình thì vẫn 10/10 nhé. Cho thêm 10 điểm nữa, thành 20/10 vì độ nhiệt tình và sự xuất sắc khi xử lý vấn đề lúc mình gọi càm ràm về đội tổng đài viên.
  • Điểm trừ nữa: hệ thống IT chưa thực sự xuất sắc, đến giờ vẫn chưa có Mobile App. Nhìn Prudential đi anh em Manulife kìa lêu lêu.

AIA: 1 hợp đồng 

  • Văn phòng siêu đẹp! Xuất sắc. Lên văn phòng ngồi cảm giác muốn ký luôn cái hợp đồng. Đây là một điểm cộng nhưng cũng là một điểm lưu ý về cảm xúc cho anh em khi lên văn phòng AIA ngồi. Còn về mặt truyền thông thì AIA làm hơi tệ.
  • Sản phẩm của AIA thiên về bảo vệ sức khỏe là chủ yếu, và cái phần này thì AIA mạnh nhất thị trường rồi. Anh em nào có con nhỏ mà không có bảo hiểm toàn phần từ công ty thì lựa chọn công ty này cũng là một phương án rất tối ưu. Còn các sản phẩm khác thì mình cũng chưa thấy nổi bật lắm so với 2 đối thủ kia.
  • Tư vấn viên: cái này thì xin thưa là mình đánh giá dựa trên cảm quan cá nhân là mình ký hợp này để ủng hộ một chị đồng nghiệp cũ cùng ngân hàng với mình. Nhưng mà vì chị ý xinh và có duyên và đến giờ vẫn rất hỗ trợ mình trong tất cả các vấn đề khác, nên mình vẫn có thiện cảm cực tốt với công ty này. Còn về quan sát chung thì mình thấy anh chị em tư vấn viên bên này cũng chuyên nghiệp và lịch sự lắm. Chưa có tiền mua thêm nên cũng chả biết chia sẻ thêm gì.
  • Chất lượng dịch vụ khách hàng: Hơn Manulife nhưng thua Prudential.

4. Lựa chọn tư vấn viên – Cuối cùng nhưng là một lựa chọn phải cân nhắc nhiều

Sau khi lựa chọn công ty mà anh em yêu thích và có sản phẩm phù hợp rồi, thì cân nhắc lựa chọn tư vấn viên nào cũng là điều phải cân nhắc. Một tư vấn viên tài chính tư vấn, thiết kế, và ký một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ xong thì sau này họ còn đi theo để quản lý và hỗ trợ các hợp đồng của mình ấy rất lâu nữa. Bán được xong nhận hoa hồng xong là không phải là một tư vấn viên giỏi đâu. 

lựa chọn được tư vấn viên bảo hiểm sẽ rất có lợi cho quản lý tài chính cá nhân của bạn
Lựa chọn được một tư vấn viên phù hợp với bản thân cũng căng phết đấy anh em

Giả dụ như mình, các hợp đồng của Prudential đến giờ đã đổi qua 3 lần người phụ trách. Nhưng Manulife thì từ trước đến giờ vẫn chỉ có một người, và vẫn đang hỗ trợ mình cực tốt. Thậm chí bây giờ còn là bạn bè thân thiết nữa. Quý là quý ở cái điểm đó.

Trên quan điểm của mình thì mình xin chia sẻ lại những kinh nghiệm mình chọn tư vấn viên như sau:

  • Tư vấn viên có kiến thức về tài chính và bảo hiểm tốt, được đào tạo chuyên ngành thì càng ổn: có kiến thức vững mới tư vấn được chứ, anh em nhể.
  • Tư vấn viên nhiều kinh nghiệm: sản phẩm của mỗi công ty sẽ có bản chất giống nhau, tuy nhiên sẽ có những điều khoản khác nhau. Gặp được tư vấn viên có nhiều kinh nghiệm sẽ cho anh em được nhiều sự tham vấn và hỗ trợ hơn so với tư vấn viên ít kinh nghiệm.
  • Có kỹ năng bán hàng tốt: gặp tư vấn viên nào mà cứ tư vấn “để bán” kiểu “mua đi anh cái này tốt lắm” thì anh em next giúp mình đi. Còn gặp tư vấn viên nào mà “hỏi rất nhiều về thông tin cụ thể” thì anh em nán lại mà nghe. Chính những người đấy sẽ hiểu để thiết kế cho anh em một hợp đồng bảo hiểm tốt và tối ưu.
  • Tư vấn viên nhiệt tình: cái này rõ rồi, nhiệt tình ai mà chẳng thích. Nhiệt tình + kiến thức tốt = Tuyệt vời rồi còn gì.
  • Tư vấn viên tinh tế: mình đặc biệt thích các bạn tư vấn viên tinh tế. Có sự tinh tế thì tất cả những điều khó nói của bản thân, đều được các bạn ý nắm bắt và trình bày rất mê li. Ủ ôi! Tinh tế mà còn đẹp trai xinh gái nữa thì nhất quả đất nhé anh em.
  • Tư vấn viên không chạy theo “doanh số bán”: cái này mình phải nhắc anh em vì phần đa bây giờ tư vấn viên đều vì doanh số mà bán, chứ không phải vì khách hàng mà trao giá trị. Anh em phải giữ vững lập trường niềm tin theo các bước mình đã xác lập trước: 5% cho bảo hiểm theo công thức trên thôi, cùng lắm anh em nào tài chính tốt thì 10%! Còn nữa bị tư vấn viên hót hay mà lại cố quá so với sức khỏe tài chính của mình thì thôi chúc mừng anh em nhớ.
  • Tư vấn viên trung thực: rất nhiều tư vấn viên bị “doanh số ép” mà dùng chiêu “cắt máu của mình cho khách hàng”. Anh em cứ test bằng câu hỏi như này:”Thế anh mua của em rồi anh được cắt lại bao nhiêu %?”. Tư vấn viên nào mà nhận cắt % hoa hồng lại cho anh em thì anh em tốt nhất chuyển qua tư vấn viên khác. Kinh nghiệm của mình là những tư vấn viên như vậy sẽ chỉ chạy doanh số chứ họ không quan tâm đến việc hỗ trợ anh em sau này đâu. Mà người đó cũng chẳng làm được lâu trong ngành tài chính bảo hiểm khốc liệt này đâu. Mình đã gặp quá nhiều rồi mà.

Vậy là mình đã viết xong bài tâm sự “Tại sao mình mua nhiều bảo hiểm nhân thọ thế” và chia sẻ cho anh em những “Kinh nghiệm lựa chọn sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và tư vấn viên” của cá nhân mình. Anh em đọc xong bài này rồi mà thấy có giá trị thì hãy cho mình một like hoặc một share động viên nhé. Mong là anh em sẽ lựa chọn được gói bảo hiểm phù hợp với nhu cầu cá nhân và gia đình. Còn nếu anh em nào mà vẫn loay hoay chưa lựa chọn được, thì cứ gửi email cho mình. Mình tham vấn thêm cho rõ.

Cám ơn anh em đã đọc đến đây! Mình là Dũng, mình hay dậy sớm viết blog rồi chạy Grab để kiếm sống. Nghệ danh của mình là Chú Grab Nhiều Chuyện. Hehe 

ANH CHỊ EM THÍCH NỘI DUNG NÀY?
Mình thường gửi những nội dung như thế này cho mọi người hàng tuần. Hơn 1000+ người đang nhận thông tin. Anh chị em ấn vào nút ĐĂNG KÝ THEO DÕI BLOG dưới đây để nhận tin miễn phí qua email nhé.
>>> ➡ ĐĂNG KÝ THEO DÕI BLOG <<<

Thân ái và quyết thắng!

Bùi Quang Dũng

BUIQUANGDUNG.com - Here for Sharing
Cám ơn vì đã đọc bài viết của mình! Chúc anh em một ngày thật vui!

    Anh em hỏi gì mình đáp nấy! Mại dô đừng ngại!

    Write A Comment